Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 22.000 người chết mỗi năm bởi đại dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt, số trẻ em tử vong vì căn bệnh này chiếm phần lớn do bệnh tiến triển nặng. Đứng trước thực trạng này, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu kỹ về căn bệnh này bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa để có các bảo vệ con hiệu quả.
Sốt xuất huyết ở trẻ là gì?
Sốt xuất huyết ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm, do virus Dengue gây ra. Muỗi vằn Aedes Aegypti là vật chủ lây truyền virus Dengue. Khi virus Dengue xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết muỗi đốt mang mầm bệnh thì sau thời gian ủ bệnh từ 4 – 10 ngày, sẽ phát bệnh. Con muỗi mang virus có thể lây lan virus cho người trong suốt quãng đời còn lại của nó.
Muỗi vằn Aedes Aegypti sống chủ yếu ở các vũng nước đọng nhân tạo như bể chứa lâu ngày, chậu cây thủy sinh, nước đọng trong lốp xe… Chúng là những kẻ hút máu vào ban ngày, giờ hoạt động cao điểm là vào sáng sớm và chiều tà, trước khi mặt trời lặn. Đây là 2 thời điểm mà trẻ thường hay vui đùa.
Triệu chứng sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết trẻ sẽ có những triệu chứng theo từng giai đoạn.
Giai đoạn khởi phát:
Ở giai đoạn này, triệu chứng điển hình là sốt. Điều này khiến cho các bậc phụ huynh thường nhầm lẫn bé bị cúm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bị sốt xuất huyết, bé sốt cao liên tục và đột ngột trên 38°C. Ngoài ra, sốt xuất huyết ở trẻ dưới 1 tuổi còn có một số triệu chứng khác như: quấy khóc, bỏ bú, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, sung huyết ở da, chảy máu chân răng…
Giai đoạn nguy cấp:
Ở giai đoạn này, bệnh sốt xuất huyết ở trẻ diễn tiến từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, đây là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Virus đã làm suy yếu hệ miễn dịch, số lượng bạch cầu, tiểu cầu đã giảm đáng kể, sẽ có những triệu chứng sốt xuất huyết như: dịch tràn phổi khiến bé sưng phù ở bụng; xuất huyết nghiêm trọng; phù nề vùng ổ mắt; tiểu ra máu; chảy máu mũi; tụt huyết áp… Nếu trẻ không được chữa trị kịp thời thì có thể bị trụy tim mạch, rất dễ khiến trẻ tử vong.
Giai đoạn hồi phục:
Nếu trẻ được chăm sóc và chữa trị kịp thời thì sau đó 2 – 3 ngày sẽ qua khỏi giai đoạn nguy hiểm. Ở giai đoạn này, trẻ có những dấu hiệu như bắt đầu hạ sốt; có cảm giác thèm ăn, khát nước; số lượng tiểu cầu, bạch cầu tăng lên khi làm xét nghiệm.
Sốt xuất huyết có lây không?
Theo các bác sĩ, ở tất cả mọi người trong mọi độ tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus gây sốt xuất huyết Dengue thì đều có thể bị lây và mắc bệnh. Trên thế giới lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể tái nhiễm. Chính vì vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, lần sau có thể còn nặng hơn lần trước. Do thủ phạm gây bệnh lần sau thường là tuýp virus khác. Hai kháng thể của hai tuýp virus khác nhau cùng tồn tại trong cơ thể sẽ làm bệnh nặng hơn, tăng cô đặc máu, choáng, trụy mạch...
Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em
Bệnh sốt xuất huyết do virus gây nên và chưa có kháng sinh để chữa trị. Biện pháp điều trị bệnh này vẫn là làm giảm triệu chứng bệnh. Do đó, đối với những trường hợp bệnh diễn biến nặng, trẻ cần được nhập viện theo dõi và chăm sóc kịp thời. Khi bị mất nước kéo dài được xem là nhân tố khiến bệnh trở nặng và dẫn đến tử vong.
Hầu hết, trẻ sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Các biện pháp chăm sóc tại nhà như nghỉ ngơi đầy đủ, truyền dịch, cung cấp đủ nước cho trẻ bị bệnh bằng cách cho uống đủ nước, nước trái cây hay ăn cháo loãng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mất nước. Các bậc phụ huynh cần phải lưu ý là nếu trẻ đang sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh thì không được tự ý truyền nước để tránh gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, cha mẹ cần kiểm tra thân nhiệt và theo dõi bé liên tục. Nếu sốt cao trên 38,5 độ C, bé cần uống thuốc hạ sốt chứa paracetamol (tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ) theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh, vì thế hiện nay vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue đã được triển khai chủng ngừa tại một số nước trên thế giới. Do đó, trong thời gian tới, các bậc phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa bệnh cho các thành viên trong gia đình bằng phương pháp chủng ngừa.