Điều đáng nói, viêm màng não mủ do vi khuẩn HI hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng căn nguyên này cũng có thể tấn công người lớn và gây ra những hậu quả nguy hiểm, điều trị phức tạp, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện E trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đau vùng gáy… Nghi ngờ đây là một trường hợp viêm màng não, các bác sĩ quyết định chọc dịch não tủy, phát hiện dịch não tủy bị đục, đây là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán bệnh.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau họng, chảy nước mũi và đi khám, được chẩn đoán viêm đường hô hấp. Bệnh nhân đã sử dụng thuốc uống tại nhà nhưng bệnh không có chiều hướng thuyên giảm. Đến ngày thứ 3 của bệnh, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, sốt cao liên tục kèm buồn nôn và được gia đình đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện E.
Sau khi định danh được tên vi khuẩn mà bệnh nhân mắc phải là viêm màng não nhiễm khuẩn do vi khuẩn Haemophilus Influenza (HI) gây ra, các bác sĩ tiến hành điều trị kháng sinh kịp thời, điều chỉnh kháng sinh theo kháng sinh đồ cho bệnh nhân. Chỉ sau 3 ngày bệnh nhân đã hết sốt và sau 5 ngày cơn đau đầu đã được đẩy lùi và sức khỏe dần ổn định sau 14 ngày điều trị.
Bác sĩ Đào Văn Cao – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng cấp tính của màng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, vi khuẩn...
Do vậy, việc chọc dịch não tủy là cần thiết để giúp các bác sĩ chẩn đoán và định danh chính xác nguyên nhân gây bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Viêm màng nhiễm khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, vì vậy việc điều trị kháng sinh kịp thời là rất cần thiết. Viêm màng nhiễm khuẩn ở người lớn tùy theo từng nguyên nhân và cơ địa người bệnh mà mức độ biểu hiện và nguy hiểm khác nhau.
Người bệnh nặng có thể xuất hiện lú lẫn, mê sảng hoặc kích thích, co giật thậm chí rơi vào trạng thái nguy kịch. Chúng làm tổn thương hệ thần kinh, biến chứng viêm não, áp xe não, thậm chí nguy cơ tử vong hay di chứng như điếc, động kinh....
Đối với bệnh nhân này, việc điều trị không đơn giản, bởi đã có tiền sử viêm màng não cách đây 3 năm và không xác định được căn nhân gây bệnh.
Thêm nữa bệnh nhân mắc bệnh lý viêm xoang mãn tính (từ năm 13 tuổi) là yếu tố nguy cơ khiến các vi khuẩn này có thể từ vị trí tai mũi họng, xoang đi theo đường kế cận vào màng não hoặc đi theo đường máu…
Do đó, những người có các bệnh lý nền như tổn thương ở tai, viêm xoang, chấn thương sọ não, suy giảm miễn dịch là những đối tượng có nguy cơ cao với nhiều biến chứng phức tạp.
Viêm màng não có thể xảy ra với bất kể đối tượng nào. Ở người lớn bị viêm màng não thường có triệu chứng điển hình hơn, song đôi khi khó chẩn đoán do dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý khác.
Ngoài ra, người bệnh có thể tái nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Mặc dù đây là bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh nhưng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn cũng là một khó khăn trong cuộc chiến với bệnh lý này.
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, cách phòng bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn do HI quan trọng nhất là tiêm phòng vaccine.
Theo khuyến cáo, tất cả trẻ em cần được tiêm chủng vaccine phòng bệnh do Hib gây ra từ lúc 2 tháng tuổi. Đối với người bệnh có tiền sử mắc viêm màng não nhiễm khuẩn hoặc các bệnh lý nền dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao, cần chú ý đến những triệu chứng bất thường.
Với các triệu chứng như sốt cao, đi kèm cơn đau đầu, ù tai, đau vùng gáy và lan đến khớp bả vai, sợ ánh sáng, nôn vọt, co giật... người bệnh hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa bệnh nhiệt đới để kiểm tra. Với những nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của người bệnh, các bác sĩ sẽ có định hướng điều trị hiệu quả nhất.