Bác sĩ Zhang Jian, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng - Phẫu thuật Đầu và Cổ, Bệnh viện Li Huili thuộc Trung tâm Y tế Ninh Ba (Trung Quốc) cho biết, ngoáy tai sai cách mang đến hậu quả nghiêm trọng hơn mọi người thường nghĩ rất nhiều. Mới chỉ trong hơn hai tháng đầu năm 2023 vừa qua, ông đã tiếp nhận tới 4 bệnh nhân ung thư biểu mô vảy ở ống tai ngoài vì lý do này.
Trong số đó, trường hợp nặng nhất là một phụ nữ trung niên đã ở nhà nội trợ nhiều năm. Bệnh nhân kể lại, bà vốn là một người ưa sạch sẽ, nên gần như ngoáy tai sau khi tắm mỗi ngày. Khoảng 2 năm trở lại đây, tai của bà hay rỉ nước, dễ bị ù tai và ngứa. Tuy nhiên, bà cho rằng mình bắt đầu có tuổi nên trao đổi chất kém, khiến tai càng dễ bẩn hơn nên càng cần vệ sinh kỹ hơn.
Cứ như vậy, bà bắt đầu hình thành thói quen ngoáy tai nhiều lần mỗi ngày. Khi đang nấu ăn, khi ngồi xem vô tuyến, ngay cả khi buồn chán không có việc gì làm bà cũng sẽ ngoáy tai. Bà chia sẻ rằng mình giống như bị “nghiện” ngoáy tai vậy. Không chỉ dùng tăm bông, bà còn mua nhiều loại dụng cụ ngoáy tai khác nhau, từ nhựa đến kim loại. Thậm chí, nếu ngứa tay bất chợt thì bà sẽ dùng luôn ngón tay để ngoáy tai cho thỏa thích
Bắt đầu từ cuối năm 2022, bà có những biểu hiện nghe kém, ù tai nhiều ngày mới khỏi. Con cái khuyên bà nên đi khám nhưng bà xem nhẹ bệnh tình, chỉ cho rằng do mình có tuổi, lại sợ khám ra bệnh gì đó ăn Tết mất vui nên đã chần chừ mãi.
Cho đến vài ngày trước, tai trái của bà trở nên đau đớn và hoàn toàn không nghe được bất cứ âm thanh gì. Nó cũng tiết ra nhiều nước màu vàng có mùi hôi nên cô con gái lớn bắt bà đến bệnh viện khám cho bằng được. Bà luôn cho rằng tình trạng của mình cùng lắm thì bị viêm tai, nhưng thật không ngờ kết quả xét nghiệm cho thấy bà mắc ung thư biểu mô vảy ở ống tai ngoài.
Bác sĩ Zhang cho biết, nếu sinh hoạt bình thường thì bệnh ung thư này khá hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu ngoáy tai sai cách trong thời gian càng dài thì nguy cơ mắc bệnh này sẽ càng cao. Ví dụ như đối với trường hợp người phụ nữ kể trên, bà đã ngoáy tai sai cách trong gần 16 năm.
Khi nhập viện, khối u của bà đã ảnh hưởng đến tuyến mang tai và các hạch bạch huyết cổ. Để ngăn chặn khối u xâm lấn lên não bộ gây nguy hiểm tính mạng, cuối cùng bà đã phải cắt bỏ tai trái. Ca phẫu thuật khá phức tạp được thực hiện trong hơn 8 giờ đồng hồ. May mắn là kết quả phẫu thuật tốt hơn mong đợi, bệnh nhân cũng hồi phục rất nhanh.
Bác sĩ nhắc nhở 6 sai lầm khi ngoáy tai nhiều người mắc phải
Nhiều người vẫn quan niệm ráy tai là chất bẩn, để lâu sẽ khiến thính lực bị suy giảm, vì vậy họ thường ngoáy tai hoặc dùng dụng cụ lấy ráy tai. Tuy nhiên, bác sĩ Zhang Jian nhắc nhở rằng đây là thói quen không tốt, trái với tự nhiên và có thể gây hại cho thính giác, viêm nhiễm tai.
Ông giải thích, trong y học thì ráy tai được gọi là cerumen. Nó có chức năng bảo vệ vì là một chất nhờn được tạo ra bởi phần lông bên ngoài của ống tai để ngăn chặn vi khuẩn, bụi bẩn hay côn trùng. Bản chất nhờn tự nhiên của ráy tai cũng giúp giữ ẩm, ngăn da ống tai bị khô và bong tróc, giảm nguy cơ tổn thương, nhiễm trùng, khô hay ngứa ống tai.
Ông cũng liệt kê ra 6 sai lầm khi ngoáy tai có thể dẫn đến viêm nhiễm, suy giảm thính lực, điếc đột ngột hoặc hình thành ung thư nhưng nhiều người mắc phải như:
- Ngoáy tai quá thường xuyên hoặc ngoáy tai hàng ngày: làm mất môi trường tự nhiên và chức năng bảo vệ vốn có của ráy tai, gây tổn thương ống tai và dễ dẫn đến viêm nhiễm.
- Dùng tăm bông sai cách: việc dùng lực mạnh hoặc xoa bông tăm theo vòng tròn có thể khiến ráy tai bị đẩy sâu hơn vào bên trong ống tai, tổn thương tai. Chưa kể tăm bông kém chất lượng dễ dính lại xơ bông gây viêm nhiễm tai, lâu ngày hình thành áp xe hoặc thậm chí là khối u.
- Sử dụng vật nhọn để làm sạch tai: các vật bằng kim loại, vật sắc nhọn dễ gây chảy máu, đau đớn và viêm nhiễm tai. Nếu không cẩn thận, vật sắc nhọn còn có thể làm thủng màng nhĩ, gây điếc.
- Dùng ngón tay, móng tay để ngoáy tai khi ngứa: nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, tổn thương tai do móng tay sắc nhọn hoặc đầu ngón tay quá to so với lỗ tai.
- Không vệ sinh, khử trùng kỹ các dụng cụ dùng để ngoáy tai: dẫn đến nhiễm trùng tai hoặc lây nhiễm chéo vi khuẩn, virus nếu dùng chung với người khác.
-Sử dụng xi lanh để thụt, rửa tai hoặc lấy ráy tai bằng phương pháp nến đốt: đây là phương pháp làm sạch tai nguy hiểm, có thể gây điếc đột ngột, chấn thương tai, thủng màng nhĩ, bỏng... và nhiều nguy cơ khó lường khác tới sức khỏe tai - mũi - họng.
Theo bác sĩ Zhang, ráy tai sẽ tự tìm đường ra khỏi tai một cách tự nhiên thông qua động tác nhai hoặc các cử động khác của xương hàm. Nếu bạn cảm thấy ngứa ngáy thì chỉ nên dùng ngón tay cái hoặc khăn ẩm xoay quanh bên ngoài lỗ tai, mát xa gờ loa tai và nghiêng đầu sang một bên. Còn trong trường hợp bị đau tai hoặc thính giác bị ảnh hưởng do ráy tai thì hãy đến gặp bác sĩ để lấy ráy tai thay vì tự làm.
Nguồn: Sohu, Asia One