Rối loạn tiêu hóa là gì?
Quá trình tiêu hóa bình thường trong cơ thể sẽ tuân theo một quy trình nhất định là tiêu hóa bắt đầu ở miệng, thức ăn sau khi được nghiền và trộn với nước bọt sẽ được đưa xuống tiêu hóa ở dạ dày.
Lúc này dạ dày sẽ tiết ra một loại chất nhầy có tác dụng như axit để tiêu hóa thức ăn. Những dưỡng chất sau đó đi vào ruột non. Tại đây các enzyme tiếp tục được tiết ra liên tục để biến thức ăn thành các hạt nhỏ có thể hấp thụ vào máu.
Những phần chưa tiêu hóa được sẽ được đưa vào ruột già. Bất cứ giai đoạn nào trong quá trình này bị trục trặc cũng sẽ gây nên chứng rối loạn tiêu hóa và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là từ những thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Cụ thể là:
Uống nhiều rượu bia
Không chỉ ảnh hưởng đến gan và các hệ cơ quan khác, việc uống nhiều rượu bia là nguyên nhân chính gây nên chứng rối loạn tiêu hóa ở người lớn. Uống rượu bia lâu ngày khiến cơ thể mất đi một lượng lớn men tiêu hóa, từ đó dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật nơi đường ruột.
Nghiêm trọng hơn, khi uống rượu bia quá nhiều sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến biến chứng vô cùng nguy hiểm là hội chứng ruột kích thích. Sau những cuộc nhậu với bia rượu, người bệnh rất thường gặp những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, chướng bụng, và đi ngoài phân lỏng vào sáng sớm hôm sau.
Dùng nhiều thuốc kháng sinh
Nếu uống nhiều rượu bia là nguyên nhân gây rối lọan tiêu hóa ở người lớn thì rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là do quá lạm dụng thuốc kháng sinh. Một số loại thuốc kháng sinh đặc biệt có tồn dư những thành phần khiến cơ thể khó đào thải dễ dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn ở đường ruột.
Nhất là khi cơ thể trẻ em còn chưa hoàn thiện hẳn, cha mẹ lại cho dùng thuốc vô tội vạ sẽ khiến bé dễ bị tiêu chảy hoặc táo bón. Tình trạng này có thể bị kéo dài rồi dẫn đến hiện tượng kháng lại kháng sinh gây nguy hiểm đặc biệt cho bé.
Chính vì vậy, cần hết sức lưu ý khi sử dụng kháng sinh cho trẻ, phải tuân theo liều lượng của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý phân chia liều lượng thuốc cho trẻ. Nếu con có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nên tham khảo ý kiến bác sĩ, nên hạn chế tự mua thuốc điều trị cho con.
Ăn uống không hợp vệ sinh
Những thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa vào cơ thể sẽ dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy thậm chí nghiêm trọng hơn là nhiễm khuẩn đường ruột.
Những người đã có thói quen ăn sạch, uống sạch, khi vô tình ăn phải thức ăn lâu ngày, ôi thiu, không hợp vệ sinh, tình trạng rối loạn tiêu hóa rất dễ xảy đến.
Những triệu chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến
Rối loạn đại tiện
Khi bị rối loạn tiêu hóa, những triệu chứng của người bệnh hầu như tiến triển chậm, nhưng có mức độ nặng dần. Ban đầu, người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng từng cơn theo mức độ tăng dần dần sau đó là chứng táo bón, mức độ nặng hơn là tiêu chảy.
Lúc này việc đi đại tiện không còn đều đặn như trước. Rối loạn tiêu hóa có thể gây nên tình trạng táo bón nhiều hơn tiêu chảy hoặc ngược lại. Tình trạng này kéo dài có thể khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, không có sức lực làm bất cứ công việc gì.
Đau bụng
Cơn đau nơi vùng bụng của người bị chứng rối loạn tiêu hóa có thể diễn ra âm ỉ hay bộc phát dữ dội. Vị trí đau thường nằm ở vùng bụng dưới bên trái, một số trường hợp sẽ thấy đau ở nhiều chỗ khác nhau, thậm chí có khi cơn đau lan ra từ phía sau lưng.
Đầy hơi khó tiêu
Trong những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất thì đầy hơi đứng đầu danh sách với biểu hiện bụng căng to kết hợp với ợ hơi liên tục, hoặc trung tiện nhiều gây bất tiện cho sinh hoạt.
Đối với trẻ em thì dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thể hiện ở việc trẻ chán ăn, hay nôn trớ và quấy khóc nhiều,... Đối với bà bầu, triệu chứng rối loạn tiêu hoá tương tự như ở người lớn, nhưng chỉ xảy ra ở 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Một số biểu hiện khác của rối loạn tiêu hóa là: ợ chua, buồn nôn, thấy đắng trong miệng hoặc hôi miệng, nôn ói,...
Phải làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa?
Phương pháp điều trị rối loạn tiêu hóa tùy thuộc nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa. Vì vậy chứng bệnh này sẽ có cách điều trị khác nhau.
Nếu rối loạn tiêu hóa chỉ thể hiện qua những cơn đau nhẹ, thoáng qua thì đó chỉ là những triệu chứng nhẹ, không nghiêm trọng có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và ăn uống cẩn thận, nhẹ nhàng.
Tuy nhiên nếu bạn thấy đầy bụng kèm theo một trong những dấu hiệu chán ăn, chướng bụng, khó tiêu, sụt cân rồi rối loạn đại tiện, đi ngoài ra máu tươi hoặc có trường hợp đi ra phân lúc lỏng lúc táo xen kẽ thì nhất định cần đến bệnh viện ngay để thăm khám, nội soi trực tràng, đại tràng để xác định tình trạng bệnh và có cách điều trị thích hợp.
Nếu nguyên nhân gây nên chứng bệnh khó chịu này là do viêm loét dạ dày, tá tràng thì người bệnh buộc phải sử dụng kháng sinh liều cao để chữa dứt điểm ngay từ đầu vì nếu để kéo dài sẽ rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó cần kết hợp với việc sử dụng các loại thuốc có vai trò tăng cường bảo vệ niêm mạc dạ dày để nhanh chóng làm lành các tổn thương do viêm loét gây ra. Việc này sẽ hỗ trợ tốt việc cắt đứt những cơn đau buốt khó chịu.
Ngoài việc điều trị chứng rối loạn tiêu hóa dựa theo nguyên nhân gây bệnh thì việc bổ sung thêm lợi khuẩn cho đường tiêu hóa cũng là một trong những giải pháp rất cần thiết.
Bổ sung lợi khuẩn sẽ giúp tăng thêm chất nhầy trong dạ dày từ đó nâng cao số lượng lớp tế bào biểu mô. Ngoài ra, lợi khuẩn còn giúp tiêu thụ hết các phần thức ăn chưa tiêu hóa hết trong ống tiêu hóa, từ đó giúp quy trình hoạt động của hệ tiêu hóa quay trở về như bình thường.
Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
Để ngăn chặn rối loạn tiêu hóa cũng như các vấn đề về dạ dày thì nên ăn nhiều rau xanh, bổ sung thêm chất xơ và uống nhiều nước, nhất là đối với những bệnh nhân có dấu hiệu táo bón.
Trong khi ăn nên nhai chậm, kỹ và giữ tinh thần được thoải mái. Đặc biệt nên tránh dùng nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, sử dụng thực phẩm an toàn. Đồng thời cần ăn uống đều đặn đúng giờ và thường xuyên vận động.
Ngoài ra, cần tuân thủ nguyên tắc "ăn chín, uống sôi", hạn chế ăn uống tại các hàng quán không đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn chưa được nấu chín hoặc thức ăn để lâu ngày.