Rau sam là loại rau mọc hoang nhiều ở các vùng quê Việt Nam. Loại rau mọc dại này cũng được coi là thực phẩm bổ dưỡng và rất dễ trồng. Tuy loại rau này nhiều dinh dưỡng nhưng khi ăn cũng cần lưu ý một số điều.
Dưới đây là một số tác dụng của rau sam và những thực phẩm cần tránh khi ăn rau sam để không gây hại cho sức khoẻ.
Tác dụng của rau sam đối với sức khoẻ
Rau sam là loại rau thường mọc dại, một trong những siêu thực phẩm bổ dưỡng nhất và dễ trồng. Bên cạnh đó, nó còn là một loại thảo mộc chữa bệnh mạnh mẽ đã được sử dụng hàng ngàn năm trong y học.
Dưới đây là những tác dụng của rau sam đối với sức khoẻ đã được chứng minh:
Giảm lượng đường trong máu
Báo Lao động dẫn nguồn trang Aboluowang cho biết, một nghiên cứu gần đây trên chuột được công bố trên tạp chí Molecules cho thấy, chất chiết xuất từ rau sam cải thiện đáng kể các triệu chứng liên quan đến bệnh đường huyết cao và tiểu đường loại 1, bao gồm viêm và rối loạn chức năng hệ thống sinh sản.
Một nghiên cứu khác xem xét các tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường, đã kiểm tra tác động của chiết xuất rau sam đối với hội chứng chuyển hóa và phát hiện ra rằng, chiết xuất rau sam làm giảm đáng kể lượng đường trong máu và cân bằng lipid (chất béo) trong máu.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, rau sam có đặc tính chống ôxy hóa, chống viêm, chống béo phì và đường huyết cao.
Hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu
Bài viết của BS Phương Thảo trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, theo Đông y, rau sam vị chua, tính lạnh, vào đại tràng, can và thận. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát máu, tán huyết tiêu thũng.
Rau sam có thể trị hội chứng lỵ, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu (tiểu giắt buốt, tiểu ra huyết và cặn sỏi), mụn nhọt lở ngứa. Ngày dùng 60 - 200g tươi (hoặc 15 - 40g khô); bằng cách nấu, luộc, ép nước.
Giảm cholesterol
Rau sam chứa lượng lớn axit béo omega-3, có thể làm giảm đáng kể LDL hoặc cholesterol xấu. Tiêu thụ một chế độ ăn giàu omega-3 cũng đã được chứng minh là ngăn ngừa cholesterol cao, huyết áp cao và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do khả năng chống viêm của chúng.
Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên báo cáo khoa học, tiêu thụ hạt rau sam có hiệu quả trong việc giảm mức cholesterol ở phụ nữ bị xơ vữa động mạch.
Tốt cho hệ thần kinh
Một trong những tác dụng hàng đầu của rau sam được chứng minh là khả năng bảo vệ hệ thần kinh, hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson. Nguyên nhân là do các thành phần được tìm thấy trong rau có tác dụng loại bỏ các gốc tự do, giảm quá trình chết đi của tế bào thần kinh trong cơ thể.
Bên cạnh đó, các chất trong rau sam cũng có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh do tình trạng thiếu oxy gây ra, cũng như ức chế enzym acetylcholinesterase - chất thường gặp đối với người mắc Alzheimer. Do đó, sử dụng rau cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị Alzheimer.
Khả năng chống viêm
Với sự có mặt của omega-3, các chất nhầy và chất khoáng, rau có tác dụng tốt với việc giảm đau, chống viêm. Đặc biệt là với các tình trạng đau do tiêu hóa hay các bệnh liên quan đến đường tiết niệu.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng rau sam
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trong quá trình sử dụng rau, người dùng cần lưu ý tới những vấn đề sau:
- Khi sử dụng rau sam tươi, chỉ nên sử dụng từ 50 - 100 gram/ngày.
- Hạn chế sử dụng rau với các đối tượng sau gồm phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người bị tiêu chảy, kiết lị, người tiền sử mắc bệnh sỏi thận hoặc đang trong quá trình điều trị sỏi thận.
- Khi chế biến, không nấu rau quá kỹ để tránh mất đi các chất dinh dưỡng.
- Không chế biến rau chung với 3 loại thực phẩm sau là thịt ba ba, trứng vịt lộn và thịt rùa. Khi kết hợp chung, món ăn sẽ gây ra tình trạng ngộ độc với người dùng.