Lo lắng rau củ mua ngoài chợ về không đảm bảo sạch sẽ nên nhiều chị em có thói quen ngâm rau củ quả với nước muối để loại bỏ tạp chất. Vậy, việc ngâm rau củ bằng nước muối có hiệu quả không?
Có nên ngâm rau bằng nước muối?
Ngâm rau củ quả với nước muối - bước rửa rau cuối cùng được nhiều bà nội trợ thích thú. Lý giải cho điều này, nhiều người cho rằng, rau củ quả không phải do mình tự trồng, hàng mua ngoài chợ không biết đường nào mà lần, bẩn sạch thế nào mình không thể lường trước.
Vì vậy sau khi rửa rau củ quả như bình thường, hãy cho vào ngâm nước muối thêm khoảng 15 - 20 phút, thế là yên tâm cho bữa ăn nhiều rau siêu lành mạnh.
Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia công nghệ thực phẩm khẳng định, việc ngâm rau trong nước muối không làm chết được giun sán, hay loại bỏ hoá chất trong rau.
"Chưa nghiên cứu khoa học nào khẳng định nước muối có thể diệt được trứng giun sán, vi khuẩn hay loại bỏ hóa chất ra khỏi rau củ quả như nhiều người đang nghĩ", ông Thịnh nói.
Nhiều bà nội trợ để cho yên tâm thường ngầm rau củ trong nước muối từ 15 đến 20 phút, vị chuyên gia nhận định điều này không nên. Việc ngâm rau củ quả với nước muối quá lâu có thể gây mất chất, rau bị dập nát, khi nấu lên rau bị mất độ ngon.
Hàm lượng vitamin và khoáng chất trong rau củ quả được ngâm rửa nước muối quá lâu sẽ bị hao hụt. Ngoài ra, hành động ngâm rau củ trong nước quá lâu còn gây hại cho sức khỏe, chất bẩn có nguy cơ thẩm thấu ngược lại, thực phẩm tích tụ nhiều muối có thể gây hại cho thận, người cao huyết áp và tim mạch.
Nói về vấn đề này, TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho rằng, ngâm nước muối không tiêu diệt hay làm chết được giun sán trong rau sống, đặc biệt, các loại rau thủy sinh tuyệt đối không nên dùng ăn sống.
Dù không làm chết giun sán, nhưng việc ngâm rau với nước muối loãng vẫn có những tác dụng nhất định chứ không phải không mang lợi ích gì. Tuy nhiên, do cách thực hành sai nên việc sử dụng nước muối rửa rau trở nên vô nghĩa.
Vị chuyên gia hướng dẫn với các loại rau trên cạn như xà lách, rau mùi, các loại rau húng… tốt nhất nên rửa dưới vòi nước chảy để trứng giun sán (nếu có) trôi đi. Bước tiếp theo sau khi rửa là ngâm rau với nước muối, dưới tác dụng của nước muối trứng giun sán sẽ nổi lên và trước khi vớt rau phải dìm rau xuống, đổ nước đi, như vậy trứng giun sán sẽ trôi theo nước.
"Đa số người dân khi ngâm rau với nước muối xong sẽ vớt trực tiếp lên khi chưa đổ nước, như vậy trứng giun sán nếu có nổi lên sẽ bám lại vào rau, ăn vào có thể gây bệnh", bác sĩ Thọ chỉ ra cách làm sai của nhiều người.
Ăn rau củ quả thế nào mới đúng cách?
Các chuyên gia khuyên rằng, dù ngâm rau với nước muối hay rửa dưới vòi nước đều chỉ có tác dụng nhất định trong việc phòng giun sán, các chuyên gia khuyên mọi người tốt nhất không ăn rau sống, nên ăn chín uống sôi.
Đặc biệt, với một số loại như rau muống chẻ, rau ngổ, thì tuyệt đối không ăn tái sống, rửa hay ngâm bất cứ thứ gì thì sán cũng không hết được vì chúng sống ở trong thân rau.
Nhiều người đi ăn quán ăn bún phở hay ăn lẩu cần chú ý, việc nhúng rau qua nước nóng chứ chưa sôi hẳn, không thể diệt được giun sán. Giun sán chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C và tốt nhất để sôi 3-5 phút.
Bác sĩ Thọ khuyến cáo, bệnh do ký sinh trùng ít gây nguy hiểm tính mạng nhưng xâm nhập vào cơ thể lâu ngày sẽ lấy chất dinh dưỡng khiến trẻ em kém phát triển, người lớn hấp thu kém, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi là cách phòng chống ký sinh trùng tốt nhất.