Theo thông tin từ Infonet, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 15 tháng tuổi trong tình trạng tím tái toàn thân, nhịp tim rời rạc, nguy kịch vào ngày 4/6 vừa qua. Gia đình bệnh nhi cho biết bé đã bị hóc quả vải và khó thở nên được đưa đi cấp cứu. Đáng nói, quả vải đã được bóc sạch vỏ và bỏ hạt.
Rất may vì được đưa đến bệnh viện kịp thời cùng sự nỗ lực không ngừng của ê kíp trực lúc ấy, quả vải đã được đẩy ra khỏi khoang miệng của bệnh nhi. Bệnh nhi sau đó ho hấp trở lại, nhịp tim dần ổn định và qua khỏi cơn nguy kịch.
Cách đây chưa tới 1 tháng, vào ngày 19/5, cháu Mai Huy K. (SN 2018, trú xóm chợ Mõ, xã Hậu Thành, Nghệ An) có lấy quả vải để ăn và cũng xảy ra tình trạng hóc như bé ở Tuyên Quang nhưng đáng tiếc bé đã không qua khỏi dù đã được đưa đi cấp cứu.
Bác sỹ khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng khuyến cáo, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần chú ý sát sao khi con đang ăn hoặc chơi những vật có kích thước nhỏ, có thể cho vừa vào miệng để tránh tình trạng bé bị hóc và trầy ống tiêu hóa. Khi sự việc không may xảy ra, cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu.
Bởi vì việc hóc dị vật thường xảy ra ở trẻ từ 3 tháng đến 6 tháng tuổi nên các chuyên gia khuyên phụ huynh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan khi có con nhỏ. Khi phát hiện trẻ bị hóc cần sơ cứu ngay để tránh xảy ra tình huống đáng tiếc.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Infornet, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không có nhiều phụ huynh biết cách sơ cứu cho trẻ đúng cách nên để lỡ thời điểm vàng trong sơ cứu mà bất lực nhìn còn lịm thở dần..
“Trường hợp trẻ đang ăn bột hay hoa quả bị hóc, nghẹn thì cần để trẻ nằm sấp, đầu dốc xuống dưới, úp lòng bàn tay vỗ mạnh vào giữa lưng bé. Thao tác này giúp tác động mạnh vào lưng gây ho để bật dị vật ra. Với trẻ lớn, người thân cần đứng sau ôm bụng sốc mạnh người trẻ lên”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Điều lưu ý quan trọng nhất là phụ huynh không được phép đưa tay vào miệng trẻ để lấy dị vật ra. Việc này thường không có tác dụng mà còn gây tổn thương trực tiếp cho vùng họng của con trẻ, thậm chí còn làm tình trạng nghẹn, hóc nặng thêm.