Sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), bé 6 tuổi, con của anh P.T.D (40 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cũng được xuất viện.
Nhập viện vì nhiễm trùng đường ruột
Anh D. cho biết bé nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn ói nhiều. Gia đình có đưa bé đến một phòng khám, siêu âm không phát hiện bất thường nên bé được bác sĩ cho đơn thuốc về nhà theo dõi. "Tình trạng không đỡ, sáng hôm sau, tôi cho bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám, xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng đường ruột phải nhập viện điều trị" - anh D. kể lại.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng Khoa - quyền điều hành Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết từ đầu tháng 2 đến nay, khoa đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện mắc các bệnh về đường tiêu hóa, trong đó hơn 60% bệnh nhi bị nhiễm trùng đường ruột.
Theo bác sĩ Thủy, trẻ nhập viện thường trong tình trạng ói, tiêu chảy, đi phân lỏng nhiều nước, sốt, đau bụng dữ dội. Một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị co giật, sốt li bì, bứt rứt, nhập viện trong tình trạng sốc mất nước nặng gây ra trụy tim mạch rất nguy hiểm. "Thông thường, một em bé bị nhiễm trùng đường ruột có biểu hiện ói hay tiêu chảy cần phải được bù nước, nếu không bù nước kịp sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc tổn thương đến các cơ quan khác của cơ thể" - bác sĩ Thủy cho hay.
Tương tự, tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) ghi nhận số trẻ đến khám do nôn ói, rối loạn tiêu hóa tăng khoảng 20%. Theo bác sĩ chuyên khoa I Lâm Bội Hy, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn như E.Coli, campylobacter, listeria, salmonella, botulinum… gây ra. Chúng có đặc điểm chung là phát triển mạnh trong môi trường có nhiệt độ từ 5-60 độ C.
Thời tiết nóng khiến thực phẩm ôi thiu, hư hỏng nếu không bảo quản đúng. Nếu trẻ ăn phải, vi khuẩn dễ tấn công hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là ngộ độc.
"Nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu lây qua đường ăn uống. Các sinh vật gồm nấm men, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng tấn công cơ thể gây nhiễm trùng đường ruột, dễ biến chứng nhiễm trùng máu" - bác sĩ Bội Hy nhấn mạnh.
Bảo quản đồ ăn cẩn thận
Lý giải nguyên nhân trẻ thường mắc bệnh, bác sĩ Bội Hy cho biết do hệ miễn dịch của trẻ còn kém cùng với điều kiện thời tiết thất thường khiến trẻ biếng ăn, dẫn đến đề kháng kém và tăng nguy cơ mắc bệnh khi virus, vi khuẩn xâm nhập và tấn công. Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Nắng nóng cũng khiến thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, trẻ bị nhiễm trùng đường ruột triệu chứng thường phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh. Triệu chứng có thể xuất hiện sớm chỉ trong vài giờ sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn hoặc trong khoảng 24 đến 48 giờ.
Bác sĩ Lâm Bội Hy khuyến cáo để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng, hạn chế cho trẻ sử dụng nước có gaz, giảm ăn đồ lạnh, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong mùa nắng nóng như uống đủ nước, tăng cường rau xanh.
Cha mẹ cần tuân thủ cho trẻ ăn chín, uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi ăn. Vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ, không để chung thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín. Thức ăn bảo quản lâu trong tủ mát vẫn có thể bị hỏng và ngộ độc, do đó không nên sử dụng đồ ăn thừa sau 4 - 5 ngày bảo quản ngăn mát.
Dấu hiệu cần đi khám
Bác sĩ Thủy cho biết nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ có thể điều trị tại nhà khi thấy trẻ vẫn vui chơi, sinh hoạt, ăn uống bình thường...
Đối với trẻ có dấu hiệu khó thở, mệt, xanh tái, co giật, sốt cao li bì khó đánh thức, đi tiêu rất nhiều lần phân lỏng, có máu trong phân, ói mọi thứ sau khi ăn, ăn uống kém... thì nhất định phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để chữa trị.