Ung thư là gì?
Tế bào là đơn vị cấu trúc cơ bản của cơ thể. Mỗi ngày, cơ thể liên tục sản xuất ra các tế bào để thay thế những tế bào đã chết, giúp chúng ta phát triển, hàn gắn vết thương. Các gen chức năng đóng vai trò kiểm soát quá trình phân chia và phát triển tế bào được diễn ra theo tuần tự.
Tuy nhiên, một lý do nào đó đã khiến các gen bị tổn hại, dẫn đến tế bào liên tục phát triển nhưng không có tế bào nào mất đi và hình thành những cục u (bướu).
Theo PGS. BS Wynn Huynh Tran, Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center tại Los Angeles (USA) và VietMD, ung thư được hiểu đơn giản là: "Sự phát triển không có kiểm soát của các tế bào khiến cơ thể chúng ta có những mô, nơi ngày càng phình to ra. Đến một lúc nào đó, chúng thể hiện ra bên ngoài là những khối u được xác định ác tính".
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư. Theo báo cáo The Cancer Altas của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), những nguyên nhân cơ bản dẫn đến ung thư là: Chế độ ăn uống, thuốc lá, nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường... Trong đó, chế độ ăn uống "nghèo" dinh dưỡng chiếm 30% trong tổng số các nguyên nhân gây bệnh ung thư.
Chế độ ăn ngăn ngừa và điều trị ung thư
Người sáng lập tổ chức Y khoa phi lợi nhuận VietMD - PGS. BS Wynn Huynh Tran chia sẻ: "Trong cuộc sống hàng ngày cũng như điều trị ung thư, thức ăn được xem là thuốc. Thức ăn đóng vai trò cung cấp nguồn dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể. Nhưng nếu ăn không kiểm soát, loại "thuốc" này sẽ gây ra những tác dụng phụ như máu nhiễm mỡ, tăng huyết áp cùng các chỉ số khác".
Như vậy, không phải người bệnh phải kiêng ăn để "bỏ đói" các tế bào ung thư mà phải bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
Trong một số trường hợp, tùy vào từng loại ung thư sẽ có chế độ kiêng cử khác nhau. PGS. BS Wynn Huynh Tran đã chia sẻ 6 nguyên tắc trong chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư cũng như đảm bảo sức khỏe bao gồm:
Uống nhiều nước
PGS. BS Wynn Huynh Tran chia sẻ: "Mỗi ngày chúng ta nên uống ít nhất 2 lít nước lọc. Chúng ta nên uống nước nhiều lần trong ngày kèm trái cây, rau củ. Nếu không uống đủ nước, cũng như chúng ta chạy xe không đổ dầu".
Theo đó, nước là thành phần không thể thiếu trong cơ thể. Nước đóng vai trò là dung môi để các phản ứng hóa học và quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra không ngừng.
Không uống đủ nước sẽ ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào, hàng loạt phản ứng trao đổi chất không được diễn ra dẫn đến cơ thể tích lũy nhiều chất độc hại.
Tăng cường ăn rau quả
Theo PGS. BS Wynn Huynh Tran, hầu hết các loại rau quả tươi đều chứa chất chống ung thư. Do đó, trong thực đơn hàng ngày, bạn nên ăn nhiều loại rau càng tốt.
Đồng thời, chế độ ăn nhiều loại rau củ với đa dạng màu sắc sẽ giúp bạn có sức khỏe tốt. Đặc biệt, nên ăn các loại rau củ quả tươi, tránh xa thực phẩm đóng hộp vì chúng thường có chất bảo quản.
Hạn chế ăn thịt đỏ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thịt đỏ có thể gây ra một số bệnh như ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư buồng trứng và ung thư phổi.
Các nhà nghiên cứu tại ĐH California (Mỹ) đã phát hiện một loại đường có trong thịt đỏ (Neu5Gc) góp phần làm tăng khả năng phát triển khối u.
PGS. BS Wynn Huynh Tran cho biết, trong thịt đỏ (bò, heo...) chứa chất kích ứng gây viêm, theo thời gian sẽ khiến các tế bào phát triển thành khối u ác tính.
Đồng thời, thịt đỏ chế biến với dầu ăn sẽ tạo ra các phản ứng sản sinh Acrylamide - một chất có thể gây ung thư. Đặc biệt, những loại thịt đỏ được chế biến sẵn càng nguy hiểm.
Do đó, để duy trì sức khỏe ổn định, người bị ung thư nên hạn chế ăn thịt đỏ cũng như thực phẩm đóng hộp.
Ăn cho ngon, không ăn cho no
Khi ăn quá no, dạ dày sẽ là nơi đầu tiên phải gánh chịu áp lực, lâu ngày dẫn đến các bệnh như nhu động ruột chậm, thức ăn không thể tiêu hóa hết.
Nguy hiểm hơn, lượng thức ăn thừa có thể phân hủy thành độc tố, gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày, suy giảm chức năng ruột.
Để điều trị ung thư, bạn nên ăn vừa đủ để đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và không gây áp lực cho các cơ quan khác.
Theo đó, "Ăn vừa phải giúp bao tử và hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa các bệnh tiểu đường, máu nhiễm mỡ cũng như hỗ trợ tốt quá trình điều trị ung thư" - PGS. BS Wynn Huynh Tran chia sẻ.
Xây dựng chế độ ăn uống đa dạng
Kiêng khem quá khắt khe để điều trị ung thư là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo PGS. BS Wynn Huynh Tran, người bệnh nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để có nhiều chất kháng ung thư khác nhau.
Bác sĩ khuyên người bệnh nên bổ sung vào thực phẩm hàng ngày những thực phẩm như: Rau, trái cây, củ, hạt đậu, gạo lứt, mè, ngũ cốc… và thức ăn từ nhiều nền văn hoá khác như Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Lan, Ấn Độ… để tế bào ung thư ít có khả năng phát triển.
Giảm ăn món chiên xào, áp chảo
Những món ăn chiên xào, áp chảo luôn mang đến sức hút hấp dẫn lạ kỳ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, thức ăn chiên xào cũng như dầu ăn qua chế biến sẽ sản sinh ra lượng chất benzopyrene - chất gây ung thư loại 1 được Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu ung thư cảnh báo.
"Theo nghiên cứu từ Nhật Bản và Hàn Quốc về ung thư dạ dày và tiêu hoá, thức ăn chế biến nhiệt độ cao với dầu tăng rủi ro ung thư" - PGS. BS Wynn Huynh Tran chia sẻ.
Ngoài ra, PGS. BS Wynn Huynh Tran cũng lưu ý, chúng ta nên chăm sóc những "bữa ăn tinh thần" như nghe nhạc, đi chùa, nhà thờ,... để cải thiện sức khỏe, mang lại cảm giác phấn chấn, từ đó, tốt cho việc điều trị ung thư.
Đồng thời, mọi người nên đi tầm soát ung thư thường xuyên để sớm phát hiện và có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.