Trẻ hoá ung thư dạ dày
Trường hợp của Đ.H.T, sinh năm 1993 qua đời vì ung thư dạ dày giai đoạn cuối từng gây xôn xao dư luận ở Hải Phòng. Đ.H.T phát hiện ung thư dạ dày vào năm 2017 và đã phẫu thuật.
Những ngày đầu bị bệnh, T. chia sẻ cô bị đau thượng vị dạ dày, nôn và đi khám. Khi đi khám bác sĩ cho biết bị đau dạ dày và gia đình giấu không cho T. biết cô bị ung thư dạ dày. Đến khi phẫu thuật T. mới biết mình bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, T. ra đi ở tuổi 26. Những ngày còn trên giường bệnh, T. từng chia sẻ với mọi người về thói quen thức khuya, nhịn ăn sáng và đây chính là yếu tố thúc đẩy bệnh ung thư dạ dày của cô.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ T được phát hiện ung thư dạ dày đã phẫu thuật. Sau đó, T. không điều trị dứt điểm mà cô uống thuốc lá và vào viện trong tình trạng suy kiệt.
Trường hợp của Vũ Văn T. Lạng Sơn, 24 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện K trung ương phẫu thuật do ung thư dạ dày. TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa ngoại ổ bụng 2, Bệnh viện K trung ương, cho biết T. bị viêm dạ dày từ hai năm trước, kiểm tra có vi khuẩn HP viết tắt của Heclicobacter pylori. Nhưng T. không điều trị tích cực mà bỏ dở điều trị vì chủ quan.
Gần đây, T. thấy đau thượng vị nhiều, chán ăn nên đi kiểm tra nội soi bác sĩ phát hiện có u sùi ở dạ dày và sinh thiết chẩn đoán dương tính với tế bào ung thư. T. được bác sĩ phẫu thuật cắt ¾ dạ dày.
TS Bình cho biết các bệnh ung thư nói chung đang có xu hướng trẻ hoá và ung thư dạ dày cũng không ngoại lệ. Theo TS Bình, người bệnh thường đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn nên phải điều trị cắt bỏ dạ dày kèm theo hoá trị, xạ trị.
Ung thư dạ dày do đâu?
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, ung thư dạ dày đang ngày một gia tăng, đặc biệt đối với nam giới lớn tuổi.
Tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh ung thư dạ dày chiếm 11,4% trong các ca bệnh ung thư và tử vong là 13,6%.
GS Hùng cho biết trường hợp của bệnh nhân Đ.H.T mắc ung thư dạ dày khi còn quá trẻ cũng là một cá thể nhưng không phải do nhịn ăn sáng, thức khuya mà gây nên ung thư dạ dày. Thức khuya, nhịn ăn sáng có thể là yếu tố gây ra các bệnh khác nhau.
GS Nguyễn Chấn Hùng thông tin có 3 nguyên nhân chính gây ra ung thư da dày: Do vi khuẩn HP, do ăn uống và hút thuốc lá.
Vi khuẩn H.pylori là nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày. HP không trực tiếp gây ung thư dạ dày nhưng gây viêm loét dạ dày và theo một thời gian dài gây loạn sản niêm mạc dạ dày và ung thư dạ dày.
Trên thế giới có 2/3 dân số mang loại vi khuẩn này và gây ra 60% ung thư dạ dày ở các nước đang phát triển. Điều trị triệt để vi khuẩn HP chính là cách để giảm ung thư dạ dày.
Nguyên nhân thứ hai, theo GS Hùng đó là ăn uống. Thói quen ăn uống quá mặn trong thời gian dài như ăn cá muối, cà muối, dưa muối, thịt hun khói… chính là tác nhân gây ung thư dạ dày.
Nguyên nhân thứ ba là do hút thuốc lá. Thuốc lá không chỉ gây ra ung thư phổi mà nó còn là tác nhân gây ung thư dạ dày.
Ngoài ra, ung thư dạ dày cũng được chỉ ra do yếu tố gia đình, bệnh nhân nam nhiều hơn nữ.
Những triệu chứng của ung thư dạ dày
TS Bình cho biết khó nhận biết sớm ung thư dạ dày bởi vì ung thư dạ dày thường không có triệu chứng gì ở giai đoạn sớm và trong nhiều trường hợp, ung thư đã ăn lan trước khi được phát hiện.
Khi có triệu chứng, bệnh nhân hay bỏ qua vì chúng thường mơ hồ. Ung thư dạ dày có thể gây ra các hiện tượng:
- Ăn uống kém hoặc ợ nóng.
- Ðau hoặc khó chịu trong bụng.
- Nôn ói.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Sình bụng sau bữa ăn.
- Chán ăn.
- Mệt mỏi và yếu sức. Xuất huyết (ói ra máu hoặc máu trong phân).
Nên phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày bằng cách đổi lối sống của mình. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày nên ăn nhiều trái cây, rau củ, tránh ăn thức ăn quá mặn và đã để lâu ngày. Ngoài ra, nên tránh xa khói thuốc lá, cai thuốc đối với những người đang hút.