Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh sinh ra do rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể, khiến lượng đường trong máu tăng cao. Đây là căn bệnh gây tổn hại lớn đến sức khỏe, tài chính của người bệnh.
Theo PGS. BS Wynn Huỳnh Trần, Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center tại Los Angeles (USA) và VietMD: "Tiểu đường được hiểu đơn giản là đường trong máu của chúng ta cao hơn người bình thường. Theo thời gian, nồng độ đường mỗi ngày một cao hơn gây thay đổi nồng độ những chất trong máu, ảnh hưởng đến những dây thần kinh mà máu lưu thông tới.
Có nhiều cách để phát hiện bệnh tiểu đường. Trong đó, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ và Hiệp hội Nội khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên kiểm tra tiểu đường bằng cách kiểm tra lượng đường bám trên hồng huyết cầu. Nếu hàm lượng đường trên 6.5% cho thấy bạn đã bị bệnh tiểu đường.
Khi mới bắt đầu bệnh tiểu đường, người bệnh có biểu hiện tiểu nhiều, uống nước nhiều, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, sụt cân, tăng cân bất thường. Đặc biệt, nếu phụ nữ có những triệu chứng này phải đi kiểm tra lượng đường trong máu để tránh gây tổn thương nhiều hơn cho tim, mạch máu, dây thần kinh".
Đối tượng dễ mắc phải bệnh tiểu đường
Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
Bên cạnh chế độ ăn uống không hợp lý, yếu tố di truyền là một trong những lý do làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, những người bệnh tiểu đường tuýp 2 có xác suất di truyền cao hơn bệnh tiểu đường tuýp 1.
Theo đó, nếu trong gia đình cha mẹ hoặc người thân mắc bệnh tiểu đường thì con, cháu sẽ dễ dàng bị mắc bệnh tiểu đường.
Trong trường hợp này, cần kiểm soát chế độ ăn và theo dõi đường huyết thường xuyên để có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Người béo phì và có chỉ số lipid máu cao (bệnh máu nhiễm mỡ)
Chế độ ăn uống giàu dầu mỡ, chất béo và lối sống lười vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng béo phì dẫn đến tiểu đường tuýp 2. Nguyên nhân là khi quá béo, mức độ insulin trong cơ thể và hệ thống nội tiết sẽ bị rối loạn, điều này sẽ dễ gây ra bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, khi có chỉ số lipid máu cao (bệnh máu nhiễm mỡ), hãy cẩn thận với bệnh tiểu đường.
Người mắc hội chứng chuyển hóa (hoặc hội chứng kháng insulin)
Những người mắc hội chứng chuyển hóa (hội chứng kháng insulin) có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn người bình thường.
Khi có sự bất thường trong quá trình chuyển hóa đường, chất béo, protein,... khiến trọng lượng cơ thể tăng đột ngột, huyết áp cao, mỡ máu cao, tăng insulin máu,... hãy đi khám bác sĩ ngay để sớm phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường
PGS. BS Wynn Huỳnh Trần chia sẻ: "Nếu không chữa tiểu đường, về lâu dài sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm. Đường trong máu cao và lưu thông khắp cơ thể khiến việc thay đổi cấu trúc của những chất trong máu, dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác như: Suy thận, mù lòa, tê liệt dây thần kinh, mất cảm giác, hoại tử, xơ vữa động mạch, đột quỵ,...
Ngày nay, nhờ y học phát triển, việc chữa tiểu đường đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Hàng nghìn loại thuốc cùng các phương pháp điều trị khác nhau, người bệnh tiểu đường được kéo dài tuổi thọ, hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong việc chữa tiểu đường, ăn kiêng là điều mà bất cứ bệnh nhân nào cũng phải tuân thủ.
Theo đó, nếu tiếp tục ăn quá nhiều tinh bột, thức ăn chứa nhiều đường,... thì bác sĩ có kê đơn thuốc tốt nhất hay can thiệp máy móc hiện đại cũng không thể nào cứu chữa được.
Do đó, trước hết, để chữa tiểu đường, bạn cần thực hiện chế độ ăn kiêng khem khắt khe kết hợp với hướng dẫn của bác sĩ và luyện tập thể dục hàng ngày".
Như vậy, để chữa tiểu đường, người bệnh phải có chế độ ăn kiêng, sinh hoạt điều độ và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kiểm soát chỉ số đường huyết.
Đồng thời, chúng ta cần điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt phù hợp để ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Vì một khi mắc bệnh tiểu đường, rất khó điều trị và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.