Nhụy hoa nghệ tây là gì?
Thời gian gần đây, Saffron (nhụy hoa nghệ tây): "vàng đỏ" của Trung Đông đang trở thành cơn sốt trên thị trường Việt Nam. Saffron có tên khoa học là Crocus sativus L. đây là thực vật một lá mầm thuộc họ Diên Vĩ (Iridaceae), có nguồn gốc từ Nam Châu Âu và vùng Tây Nam Á
Saffron mọc hoang dại ở nơi có khí hậu nhiệt đới khô như Iran, Ấn Độ, Hy Lạp, Morocco, Tây Ban Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập… Saffron được sử dụng trong chế biến thực phẩm và Đông y.
Mỗi cây nghệ tây chỉ có 4 hoa, mỗi bông hoa có 3 đầu nhụy dài và nhỏ hơn que tăm. Để có một kg nhụy cần đến 170.000 - 200.000 bông hoa. Do quý hiếm, giá nhụy hoa nghệ tây rất đắt.
Các hợp chất trong nhụy hoa nghệ tây
Nhụy hoa nghệ tây Saffron có giá trị kinh tế cao do có chứa nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe. So với các loại thực phẩm khác thì Saffron đặc biệt giàu vitamin như vitamin B2: 56 - 138 μg/g (ở cà chua chín là khoảng 3400 μg/g) và vitamin B1: 0.7 - 4 μg/g (quả khóm/thơm là khoảng 2 µg/g).
Giá trị của Saffron chủ yếu được đánh giá bởi 4 hợp chất:
- Crocin
- Crocetin
- Picrocrocin
- Safranal
Màu sắc của nhụy hoa nghệ tây Saffron chủ yếu liên quan đến số lượng và chất lượng thành phần của crocin và crocetin (khoảng 6-16% trong nhụy khô). Crocin và crocetin là một dạng không điển hình của carotenoid.
Vậy nhụy hoa nghệ tây có tác dụng gì? Các chất trong nhụy hoa nghệ tây có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa. Các bộ phận khác của nghệ tây như cánh hoa, lá, củ, cũng chứa hoạt chất chống oxy hóa, trong đó tập trung nhiều nhất ở đầu nhụy hoa.
Nhụy hoa nghệ tây có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Thời cổ đại, người Ai Cập đã dùng nghệ tây để chữa bệnh, làm nước hoa, trang điểm mí mắt, sơn móng tay, làm thuốc nhuộm và làm gia vị nấu ăn... Người Ba Tư cổ tin rằng nhụy hoa nghệ tây chữa được chứng trầm cảm và thường pha vào trà nóng để uống.
Vào thế kỷ VIII, người Hồi giáo mang thứ gia vị này đến Tây Ban Nha và dùng khi chế biến các món ăn cao cấp. Trong thời kỳ Phục hưng, nhụy hoa nghệ tây có giá trị như vàng.
Ngày nay cả y học cổ truyền và y học hiện đại sử dụng nhụy hoa nghệ tây như vị thuốc có tác dụng an thần, trừ đờm, kích thích tình dục. Saffron cũng hiệu quả trong chữa tiêu chảy, hạ đường huyết, giảm mỡ máu, tăng miễn dịch, chống cảm lạnh, sỏi thận, chuột rút, chứng mất ngủ, tiểu đường, hen suyễn...
Đã có nhiều nghiên cứu về công dụng của saffron trong điều trị bệnh, tập trung ở các bệnh lý như trầm cảm, alzheimer, parkinson, tiểu đường và cả ung thư. Trong số đó các thử nghiệm lâm sàng chủ yếu ở bệnh trầm cảm, alzheimer và parkinson.
Các nghiên cứu trong tiểu đường và ung thư chỉ mới dừng lại ở phòng thí nghiệm. Các thử nghiệm lâm sàng cũng còn nhiều mặt hạn chế vì số lượng nghiên cứu ít, quy trình chưa đồng nhất, số lượng bệnh nhân tham gia thử nghiệm ít làm giới hạn tính lặp lại và so sánh giữa các thí nghiệm với nhau.
Nhụy hoa nghệ tây có tác dụng gì với bệnh ung thư
Chưa có thử nghiệm lâm sàng nào đánh giá hiệu quả điều trị của saffron trong ung thư mà chỉ dừng ở phòng thí nghiệm. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (đánh giá tác động của saffron trên các dòng tế bào ung thư, hoặc động vật) cho thấy chiết xuất saffron hoặc các hợp chất chính của nó có thể ức chế tế bào ung thư.
Các nghiên cứu thực hiện trên chuột cho thấy chiết xuất saffron khi được bôi ngoài da/qua đường uống/tiêm tĩnh mạch đã cho thấy có tác dụng chống ung thư và khả năng cải thiện cấu trúc của da trên ung thư biểu mô da.
Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất nước saffron và crocetin ức chế quá trình phát triển của ung thư dạ dày trên chuột. Thêm vào đó, saffron có thể gây chết tế bào theo chương trình ở ung thư đại trực tràng, tuyến tụy và ung thư bàng quang.
Hiệu quả kháng ung thư ở saffron có thể liên quan đến cơ chế: ức chế sinh tổng hợp RNA và DNA Những cơ chế chống ung thư khác, chủ yếu là hợp chất carotenoids, có khả năng chống oxi hóa và crocetin làm giảm quá trình oxi hóa để phân hủy lipid ở ung thư phổi trên chuột.
Nhụy hoa nghệ tây có tác dụng gì trong điều trị tiểu đường?
Bệnh nhân tiểu đường thường có nguy cơ ung thư cao hơn người khỏe mạnh. Khi đề cập đến tác dụng của saffron trong điều trị tiểu đường, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng còn hạn chế. Do đó, khó có thể khẳng định saffron sẽ có tác dụng với bệnh nhân tiểu đường.
Tiểu đường là một bệnh chuyển hóa bởi sự tăng đường huyết và tăng sản xuất các gốc oxy hóa tự do. Các chiết xuất saffron tinh khiết có khả năng bảo vệ tế bào bao bằng việc ức chế sự hoạt động của các enzyme α ‐ glucosidase, α ‐ amylase và cholinesterases (những enzyme tăng cường phân cắt đường đa thành glucose để cơ thể hấp thu), cơ chế này tương tự với một vài loại thuốc đã có trên thị trường.
Trong một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện trên 208 bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2, khi đối chiếu với nhóm dùng giả dược, nhóm bệnh nhân sử dụng hỗn hợp thảo dược (saffron, quế, bạch đậu khấu và gừng) cho thấy có hiệu quả lên việc kiểm soát cholesterol nhưng không cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát đường máu, stress oxy hóa và đáp ứng viêm.
Theo một nghiên cứu khác, chiết xuất saffron hydroalcoholic có khả năng cải thiện kiểm soát glucose máu bằng cách giảm đường máu lúc đói trong 54 bệnh nhân tiểu đường loại 2.
Bởi vì có sự mâu thuẫn về hiệu quả điều trị của saffron trong điều trị tiểu đường giữa các thí nghiệm, do đó cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Vậy nhụy hoa nghệ tây saffron có thực sự là thần dược?
Có thể thấy tác dụng của “vàng đỏ” được nêu ra chỉ mang tác dụng tham khảo chứ chưa được nghiên cứu chuyên sâu, việc điều trị bệnh vẫn nên tuân theo các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không nên xem saffron là một loại thần dược chữa được bách bệnh.
Bác sĩ Trần Châu Quyên - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, nhụy hoa nghệ tây nếu sử dụng đúng cách có thể giúp da mịn màng, làm giảm sắc tố và các đốm đen, cải thiện lưu thông máu khiến da hồng hào và sáng hơn.
Tuy nhiên, bác sĩ khuyên người tiêu dùng chỉ nên coi đây là thực phẩm, tránh coi sản phẩm này như “thuốc” chữa bệnh vì thực tế, nhụy hoa nghệ tây cũng chỉ là một loại thực phẩm, gia vị giống như gừng, nghệ, tỏi... mà người Việt sử dụng trong các bữa ăn
Giới hạn liều lượng của nhụy hoa nghệ tây
Để saffron tác dụng hiệu quả, cần dùng đúng liều lượng. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), người trưởng thành được khuyên nên sử dụng 0.1g saffron (khoảng 50 sợi) mỗi ngày, tức 3g mỗi tháng. Dùng quá nhiều nhụy hoa nghệ tây, lên đến 15g một lần có thể gây ngộ độc.
Nên uống nhụy hoa nghệ tây vào lúc nào?
Nhụy hoa nghệ tây saffron là một loại thảo dược quý và tương đối an toàn. Vì vậy, người dùng có thể uống Saffron vào mọi thời điểm trong ngày đều mang lại hiệu quả tốt. Nếu thời gian không cho phép nên uống vào buổi sáng và buổi tối để phát huy được tối đa tác dụng của nó.
Một ly trà Saffron sau bữa sáng giúp người dùng chào ngày mới tràn đầy năng lượng và sức sống. Còn khi uống vào buổi tối trước khi ngủ 30 - 40 phút lại giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, có một giấc ngủ sâu và ngon hơn, giữ cho da không bị sạm, thâm quầng do mất ngủ.
Nhìn chung, nhụy hoa nghệ tây có tác dụng gì đối với sức khỏe đi chăng nữa cũng không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Hãy là một người tiêu dùng thông thái đối với việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.