Vitamin C có nhiều trong các thực phẩm tự nhiên, cơ thể cũng chủ yếu hấp thu và sử dụng dưỡng chất này từ đây. Vitamin C tham gia vào rất nhiều hoạt động của cơ thể, có vai trò và chức năng quan trọng với hệ miễn dịch, phòng ngừa lão hóa, tăng cường sức để kháng.
Một chế độ ăn khoa học sẽ đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ loại vitamin này. Nhưng cũng có những lầm tưởng khi nhiều người nghĩ rằng, trái cây càng có nhiều vị chua càng chứa nhiều vitamin C.
1. Vai trò của vitamin C đối với cơ thể
BS. Kiều Thúy Ngân (Khoa Nội Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, vitamin C cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển của cơ thể. Nó liên quan đến nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm hình thành collagen, hấp thụ sắt, hoạt động của hệ thống miễn dịch, chữa lành vết thương...
Vitamin C là một trong nhiều chất chống ôxy hóa có thể bảo vệ chống lại các gốc tự do, cũng như các hóa chất độc hại và chất ô nhiễm như khói thuốc lá. Các gốc tự do có thể tích tụ và góp phần vào sự phát triển của các tình trạng sức khỏe như ung thư, bệnh tim mạch và viêm khớp.
Cơ thể không lưu trữ vitamin C, vì vậy không xảy ra tình trạng quá liều khi ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C. Tuy nhiên, vẫn không nên vượt quá giới hạn an toàn trên 2.000mg/ngày để tránh bị đau bụng và tiêu chảy.
Vitamin C là một trong những loại vitamin tan trong nước. Bởi vì cơ thể không dự trữ chúng, vì vậy cần giữ chúng trong chế độ ăn uống của mình mọi lúc để duy trì mức độ lành mạnh. Ăn trái cây và rau quả giàu vitamin C sống hoặc nấu chúng với ít nước để không làm mất một số vitamin hòa tan trong nước khi nấu.
Sự thiếu hụt vitamin C tương đối hiếm và chủ yếu gặp ở người lớn bị suy dinh dưỡng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến bị thiếu máu, bầm tím, chảy máu và răng lung lay...
2. Trái cây chua không phải thực phẩm giàu vitamin C nhất
Từ trước đến nay nhiều người vẫn quan niệm rằng, những trái cây chua như cam, chanh, cóc… là những thực phẩm có lượng vitamin C dồi dào, hơn hẳn những thực phẩm khác. Điều này là hoàn toàn không chính xác, quả chanh thậm chí còn ở cuối danh sách.
Nguyên nhân là do những loại trái cây có vị chua mà chúng ta ăn như cam, quýt, bưởi, xoài, kiwi… đều có chứa vitamin C nhưng vị chua của những thực phẩm này lại được tạo ra bởi acid citric. Nghĩa là vị chua của thực phẩm không tương đồng với hàm lượng vitamin C. Có nhiều loại thực phẩm chứa rất nhiều vitamin C lại không có vị chua như: ớt chuông, súp lơ, bông cải, khoai tây. Vậy vitamin C không phải gây ra vị chua như chúng ta nghĩ.
3. Bật mí 5 thực phẩm giàu vitamin C
3.1 Ổi
Thông thường, người dân vẫn nghĩ khi cần bổ sung vitamin C thì nên chọn cam vì có nguồn vitamin tự nhiên dồi dào. Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong ổi còn có lượng vitamin C nhiều gấp 4-5 lần cam. Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) ổi là trái cây nhiệt đới rất tốt. Nếu như trong 100g cam chỉ chứa 50mg vitamin C thì trong 100g ổi lại chứa tới 228mg vitamin C. Không chỉ giàu vitamin C, trong thành phần của quả ổi còn chứa các chất khác như vitamin A, axit folic và chất khoáng tốt cho sức khỏe.
3.2 Ớt chuông
Ớt chuông là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào với 139mg vitamin C trong 100g ớt chuông. Ớt chuông xanh chứa ít vitamin C nhất trong các loại ớt chuông, chỉ có 99,5mg, nhưng vẫn có nhiều vitamin C hơn cả quả cam.
Ớt chuông cũng có những lợi ích khác đối với sức khỏe. Ớt chuông đỏ là một nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời, tốt cho thị lực. Ớt chuông xanh có khả năng chống ôxy hóa cao 78%, có nghĩa là một hàm lượng lớn các hợp chất chống ôxy hóa có sẵn trong thực phẩm này.
3.3 Súp lơ xanh và súp lơ trắng
Trong đó, súp lơ xanh có chứa nhiều vitamin C hơn so với súp lơ trắng. 100g súp lơ xanh có chứa 89mg vitamin C nhưng cùng trọng lượng này, súp lơ trắng chỉ có khoảng 46mg vitamin C. Không chỉ có chứa vitamin C, súp lơ còn là thực phẩm có chứa nhiều vitamin B, canxi, beta-carotene, carotenoid, kẽm và đặc biệt là chất xơ. Súp lơ cũng góp phần hỗ trợ nâng cao hệ miễn dịch và phòng chống ung thư. Nên hấp súp lơ để giữ được lượng dinh dưỡng nhiều nhất trong món ăn này.
3.4 Dứa
Dứa là một loại quả rất phổ biến ở nước ta và cũng là một trong những loại quả giàu vitamin C nhất. Trung bình trong 200g dứa có chứa đến 131mg vitamin C. Không những vậy, dứa còn rất giàu vitamin C, kali, canxi và chất xơ. Bổ sung dứa trong chế độ ăn sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Ăn dứa cũng giúp giảm cân, lấy lại vòng eo thon gọn và giúp làn da của chị em luôn căng mịn, trắng sáng.
3.5 Đu đủ
Đu đủ được biết đến là một loại quả có tính mát và tốt cho hệ tiêu hóa. Loại quả này chứa hàm lượng vitamin C khoảng 62mg cho 100g thịt quả. Đu đủ còn chứa nhiều chất chống ôxy hóa như carotenoid và flavonoid, vitamin A và axit folic.
Đặc biệt, đu đủ có chứa men papain, một loại men rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp hấp thụ chất dinh dưỡng rất tốt.
Theo Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), lượng vitamin C được khuyến nghị hằng ngày đối với hầu hết mọi người là 75-90mg một ngày. Giới hạn mức tối đa là 2.000mg/ngày. Nếu vượt qua mức khuyến nghị này có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu và chóng mặt.
Do đó, không phải cứ uống cam, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C và bổ sung vitamin này càng nhiều càng tốt. Điều quan trọng nhất để tăng cường miễn dịch là chọn nhóm thực phẩm phù hợp từng người, từng thể trạng sức khỏe.