Ăn dặm là giai đoạn phát triển mới của bé. Mẹ nên tìm hiểu kỹ trước khi tập ăn dặm cho bé, từ thời điểm bắt đầu, cách cho bé ăn dặm và nhất là phải hiểu được nhu cầu của con.
Giai đoạn ăn dặm trẻ cần ăn bổ sung vì nhu cầu năng lượng tăng. Từ khi bé được 6 tháng tuổi năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó giai đoạn này trẻ cần khoảng gần 700kcal/ngày. Do vậy, ăn dặm đúng cách là cần thiết để bù đắp khoảng cách thiếu hụt năng lượng này. Lượng thức ăn trong các bữa ăn dặm cũng cần tăng lên khi trẻ lớn lên, nếu không đảm bảo đủ bữa ăn dặm trẻ sẽ còi cọc, phát triển chậm.
Hơn nữa trong giai đoạn này, lượng sắt dự trữ không còn, do vậy trẻ sẽ thiếu sắt nếu chỉ được cung cấp từ nguồn sữa mẹ, do vậy ăn dặm sẽ là nguồn cung cấp đủ lượng sắt cần thiết bù đắp sự thiếu hụt đó.
Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm
Cho trẻ tập ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc gần giống với sữa công thức để bé quen dần với “những thức ăn mới lạ”. Giai đoạn mới bắt đầu sẽ cho trẻ ăn dặm bột ngọt vì mùi vị “tương tự” với sữa mẹ. Đến khi trẻ quen dần sẽ chuyển sang bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
Cho trẻ ăn từ “ít - nhiều” nhằm luyện tập cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với lượng và thành phần thức ăn ngày càng phong phú để đảm bảo nhu cầu cần thiết cho tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Bột ăn dặm bắt đầu từ “loãng - đặc” cần ghi nhớ để quá trình ăn dặm của trẻ luôn được “suôn sẻ”.
Nguyên tắc “tô màu chén bột” nghĩa là bột ăn dặm của trẻ cũng đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp trẻ phát triển tốt.
Mẹ “không ép trẻ ăn” khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm. Lúc này chúng ta nên tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5 - 7 ngày rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.
2 phương pháp ăn dặm được áp dụng nhiều nhất hiện nay
Phương pháp ăn dặm truyền thống: Mẹ dùng muỗng đưa thức ăn đã được xay nhuyễn, nghiền nát vào miệng bé. Mẹ hãy tập ăn dặm cho bé bằng cách từ từ chuyển thức ăn sang loại đặc và cứng hơn cho tới khi bé thấy thích thức ăn của người lớn. Tuy nhiên, cách ăn dặm truyền thống bằng cách đút thìa cho bé ăn dễ gây tình trạng béo phì và kén ăn sau này.
Tập cho bé phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (phương pháp blw): Bạn cần chế biến thức ăn sao cho bé dễ dàng cầm, bốc ăn được. Bằng cách này, quá trình cai sữa sau này sẽ dễ dàng hơn. Việc ăn cách này còn giúp con có xu hướng dễ dàng tham gia vào bữa ăn gia đình sớm và dùng được đa dạng thực phẩm trên bàn ăn gia đình. Tuy nhiên, cho phép con tự ăn đồng nghĩa là thời gian bé ăn sẽ lâu hơn so với khi bạn đút cho bé ăn và thậm chí có đôi khi bé ăn không nhiều.
Tùy thuộc vào tình hình của bé cũng như tâm lý của bạn, bạn sẽ chọn ra được phương pháp tập ăn dặm cho bé phù hợp nhất.