Khi mang thai sẽ là lúc mẹ bầu cảm thấy hạnh phúc nhất vì sắp được nhìn thấy một thiên thần nhỏ chào đời. Nhưng bên cạnh đó, mẹ bầu cũng luôn phải đau đầu vì vô vàn lời khuyên những thực phẩm cần tránh, thực phẩm cần bổ sung để có thai kỳ khỏe mạnh.
"Mang thai ăn mía có được không" cũng là một trong những câu hỏi được nhiều mẹ bầu quan tâm. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng trong thân cây mía ngoài lượng đường chiếm đến 70% còn chứa nhiều các chất dinh dưỡng khác như đạm, chất béo, chất bột, vitamin và khoáng chất. Vì vậy, mía không chỉ là một thức uống giải nhiệt ngày hè mà còn cực kỳ tốt cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Công dụng tuyệt vời khi bà bầu ăn mía
Giảm ốm nghén
Kỳ tam cá nguyệt thứ nhất là lúc mẹ bầu thường xuyên phải đối mặt với các cơn nghén. Để giảm tình trạng thai nghén hiệu quả, mẹ hãy thử uống một ly nước mía, có thể bỏ thêm vào đó một vài lát gừng và chia nhỏ ra để uống nhiều lần trong ngày.
Chữa cảm cúm
Mía có chứa một lượng chất chống oxy hóa dồi dào, giúp thúc đẩy cơ thể tăng cường chất đề kháng và phòng chống một số bệnh vặt do virus gây ra. Do vậy, khi cơ thể bắt đầu có triệu chứng cảm, mẹ bầu có thể ăn hoặc uống nước mía để giải cảm an toàn. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa trong mía còn được biết đến là thành phần giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú rất hiệu quả.
Hỗ trợ tiêu hóa
Hàm lượng kali có trong mía sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và nừa tình trạng viêm nhiễm dạ dày. Nhờ đó tình trạng táo bón, trĩ khi mang thai cũng sẽ được đẩy lùi.
Mẹ bầu nên nhớ không ăn mía khi bị tiêu chảy vì sẽ làm tình trạng bệnh thêm nặng hơn. Ngoài ra, mía có tính hàn, nếu mẹ bầu đã từng bị đau bụng do tỳ vị hư hàn hay nhiễm lạnh thì cần hạn chế ăn mía.
Làm sạch răng miệng
Khi mang thai, mẹ bầu sẽ gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến răng miệng và có khoảng 90% vi khuẩn lây qua con đường này. Mẹ có thể chặt mía ra từng khúc nhỏ rồi nhai để làm sạch răng, miệng.
Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý không nên ăn mía ướp lạnh vì rất dễ gây lạnh bụng và ê răng. Một mẹo nhỏ là khi chọn mía không nên chọn những cây còn nguyên vỏ và quan sát trên thân không có đốm đỏ. Nếu trên thân mía xuất hiện những đốm đỏ đồng nghĩa với việc mía đã để lâu ngày và hình thành nấm mốc. Đây là loại nấm độc có thể gây tổn thương tới thần kinh.
Làm đẹp da
Trong mía có chất axit alpha hydroxyl có tác dụng chống oxy hóa, giảm tình trạng nổi mụn do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
Bất kỳ thực phẩm nào nếu tiêu thụ quá nhiều cũng sẽ gây ra những phản ứng ngược cho sức khỏe. Mẹ bầu nếu ăn mía quá nhiều sẽ khiến lượng đường huyết trong cơ thể tăng, thúc đẩy tụ cầu khuẩn trên da sinh sôi, hình thành nên những mụn nhọt nhỏ. Nếu vi khuẩn gây bệnh có điều kiện xâm nhập vào bên trong da còn gây ra nhiễm khuẩn máu, ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, mẹ bầu chỉ nên ăn với tần suất tốt nhất từ 3 – 4 lần/ tuần để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.