Nguyên liệu cho món bao tử hầm tiêu cho bà bầu
Dạ dày lợn 1 cái loại nhỏ
Xương đuôi lợn 0,5 kg
Rau mồng tơi
Đậu phụ trắng
Hạt tiêu xanh, gừng,
Muối, chanh, gia vị
Cách làm
Bước 1: Lộn trái bao tử heo rồi trụng sơ qua với nước sôi, tiếp tục bóp bao tử thật kĩ với muối hoặc chanh để làm sạch nhớt và mùi hôi rồi rửa lại với nước. Mách mẹ 1 mẹo nhỏ để làm sạch bao tử dễ dàng hơn đó là đổ một ít nước ngọt có ga vào dạ dày, lớp ga sùi bọt sẽ giúp những cặn trên dạ dày tróc ra nhanh hơn. Sau đó, chần sơ để dạ dày trở nên dễ thái hơn rồi thái thành những miếng dày cỡ 1 cm.
Bước 2: Giã nát 3 lát gừng, 3 nhánh tiêu xanh, 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột ngọt và 1 muỗng cà phê tiêu và cho tất cả gia vị vừa giã vào tô bao tử đã được cắt vừa ăn, trộn đều rồi để ướp 15 phút cho bao tử ngấm gia vị.
Bước 3: Làm sạch xương đuôi lợn rồi cho vào nồi ninh nhỏ lửa để làm nước dùng, thỉnh thoảng mẹ nên nhớ vớt bọt để nước dùng được trong. Lưu ý, các mẹ nên chọn mua xương đuôi để làm nước dùng vì xương đuôi sau khi ninh cũng có độ ngọt mà không bị phần mỡ tủy béo ngấy như khi ninh xương ống.
Bước 4: Cho vào chảo 1 muỗng canh dầu ăn, đổ bao tử vào xào đến khi cạn nước và bao tử có màu vàng đẹp mắt.
Bước 5: Đổ phần bao tử vừa xào vào nồi nước dùng cùng với tiêu xanh. Nấu cho sôi rồi hạ lửa nhỏ hầm 40-45 phút, đến khi nào bạn thấy miếng bao tử mềm nhưng vẫn giữ được độ giòn sựt thì tắt bếp.
Bước 4: Rau mồng tơi rửa sạch, nhặt lá cùng đậu phụ đã xắt miếng vuông bày ra đĩa. Khi ăn các mẹ nhớ làm nóng lại nước dùng, thả đậu phụ và mồng tơi vào nhúng giống như ăn lẩu.
Lẩu bao tử hầm tiêu xanh ăn cùng với bún hay mì, ăn kèm với rau mồng tơi, rau xà lách xoong hoặc cải bẹ xanh đều ngon.
Thực hư bà bầu ăn bao tử hầm tiêu sẽ giúp hệ tiêu hóa con khỏe mạnh?
Theo kinh nghiệm dân gian, khi các mẹ mang thai đến tuần 32, 33 thì nên ăn một cái bao tử lợn hầm hoặc hấp cùng hạt tiêu để giúp con sinh ra ăn khỏe, không lo bị đi tướt khi mọc răng và gặp các bệnh về đường tiêu hóa. Theo Đông y, bao tử heo có tính ấm, công dụng kiện tỳ ích vị, bổ hư nhược.
Tuy nhiên, việc mẹ bầu nên ăn bao tử hầm tiêu khi mang thai tuần 32, 33 để con sinh ra có hệ tiêu hóa khỏe mạnh là chưa có cơ sở khoa học. Bao tử là nội tạng của động vật, bộ phận dễ bị nhiễm khuẩn nên mẹ bầu cần cẩn thận khi chọn mua và chế biến. Mẹ bầu cũng chỉ nên ăn một lượng vừa phải, không nghe theo quan niệm dân gian để cố ăn hết 1 cái bao tử, vừa không khỏe con mà còn có thể làm mẹ bầu dễ bị nôn, ói.