Bệnh lý vùng kín thường gặp ở bé trai bao gồm thoát vị bẹn, hẹp bao quy đầu, tinh hoàn ẩn... Chúng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh lý có thể gây vô sinh cho bé trai
Hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu được. Một trong những biểu hiện hẹp bao quy đầu rõ nhất ở trẻ mà cha mẹ có thể quan sát được đó là khi bé trai đi tiểu, tia nước tiểu không vọt xa và lệch hẳn về một bên, phần da bao quy đầu phía dưới bị phồng lên.
Hiện tượng hẹp bao qui đầu sinh lý ở trẻ không cần điều trị, trẻ sẽ tự khỏi khi lớn lên. Tuy nhiên, nếu trẻ lên 5-6 tuổi mà quy đầu vẫn không tự tụt xuống được thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để nhận được tư vấn biện pháp nong quy đầu cho bé.
Hẹp bao quy đầu không trực tiếp gây ra vô sinh nhưng lại là nguyên nhân gián tiếp khiến trẻ bị vô sinh nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Bệnh sẽ khiến nam giới xuất tinh sớm hoặc khó xuất tinh và làm cho tinh trùng khó gặp trứng gây vô sinh, hiếm muộn.
Thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn là tình trạng phình lên một cách bất thường, hoặc dạng lồi, có thể nhìn thấy được và cảm thấy được ở khu vực háng (khu vực giữa vùng bụng và đùi). Bên trong là các tạng trong ổ bụng, ngoài ra còn có thể có hay không dịch ổ bụng.
Trong khoảng tháng thứ 7 cửa thai kỳ, khi tinh hoàn di chuyển xuống vùng bìu của trẻ sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống, gọi là ống phúc tinh mạc. Đây là loại ống ở háng để nối từ bụng xuống tinh hoàn.
Thông thường, khi trẻ được sinh ra thì ống phúc tinh mạc cũng sẽ đóng lại, nếu ống này không đóng lại sẽ tạo thành ống với đường kính đủ lớn cho các cơ quan trong ổ bụng chui xuống ống và xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn trẻ em. Khi trẻ 4-5 tuổi trở lên mà khối thoát vị vẫn còn thì nên đưa đi khám chuyên khoa để được phẫu thuật.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Tấn Tài, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp cho biết, thoát vị bẹn nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng cho bệnh nhân như hoại tử ruột, mạc treo ruột, hoại tử các tạng, hoại tử ruột gây viêm phúc mạc toàn thể dẫn đến tử vong. Đây là một trong các yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn, nghẹt ống dẫn tinh gây vô sinh.
Ẩn tinh hoàn
Trước khi trẻ chào đời, tinh hoàn sẽ tự di chuyển vào vùng bẹn từ trong ổ bụng. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp gặp trục trặc, tinh hoàn sẽ nằm lại đâu đó trên đường đi, gây ra hiện tượng tinh hoàn ẩn. Dấu hiệu nhận biết của bệnh rất rõ ràng, khi cha mẹ sờ bìu con sẽ không thấy có tinh hoàn bên trong.
Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá lo lắng vì dị tật này rất dễ phát hiện và trước 1 tuổi tinh hoàn có thể tự đi xuống bìu. Nếu sau 1 tuổi mà vẫn không sờ thấy tinh hoàn trong bìu của con thì cha mẹ cần đưa con đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Tinh hoàn ẩn nếu phát hiện muộn thì sẽ không còn khả năng sinh tinh binh nhưng bệnh nhân vẫn phải bắt buộc tiến hành phẫu thuật vì nguy cơ ung thư hóa. Kể cả khi tinh hoàn bị ẩn một bên thì tinh hoàn còn lại cũng có nguy cơ ung thư đến 25%.