Tuy vitamin K không phổ biến như các loại vitamin khác nhưng chúng vô cùng quan trọng với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Trẻ thiếu vitamin K nếu không được bổ sung kịp thời sẽ gây rối loạn đông máu, tăng nguy cơ chảy máu kéo dài ở nhiều nơi như cuống rốn, đường tiêu hóa, mũi, thậm chí gây tử vong do xuất huyết não.
Nguyên nhân trẻ thiếu vitamin K
Trẻ sơ sinh có nguy cơ thiếu vitamin K cao hơn người lớn là do khi vừa sinh ra, đường ruột của trẻ còn non yếu nên chưa thể tự tổng hợp được lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Lượng vitamin K ở trẻ sơ sinh chủ yếu được tổng hợp từ nguồn vitamin dự trữ sót lại từ khi còn trong bụng mẹ và thông qua nguồn sữa mẹ. Nếu mẹ không bổ sung đủ vitamin K thì khả năng trẻ bị thiếu hụt càng cao.
Với trẻ nhỏ phải dùng kháng sinh sớm hay gặp các vấn đề về tiêu hóa cũng làm cho ruột khó tổng hợp vitamin K cho cơ thể.
Ở những mẹ có xu hướng ăn khiêng khem sau sinh, hạn chế ăn ăn dầu mỡ thì lượng vitamin K trong sữa mẹ cũng ít đi.
Trẻ thiếu vitamin K thường sẽ xuất hiệu các dấu hiệu đại tiện ra máu, chảy máu niêm mạc, nôn ra máu, nguy hiểm hơn sẽ gây ra xuất huyết não. Xuất huyết não ở trẻ thường xuất hiện rất đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước. Khi phát bệnh trẻ sẽ có dấu hiệu bỏ bú, thóp căng phồng, thiếu máu, khóc thét, lên cơn co giật, khó thở, da xanh, hôn mê.
Theo nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, 90% trẻ bị xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra ở thời điểm 30 – 40 ngày tuổi. Tỉ lệ trẻ tử vong khi bị xuất huyết não là 25 – 40% và khả năng để lại di chứng khoảng 40 – 50%. Các di chứng thường gặp như teo não, não úng thủy, động kinh, bại não hoặc gặp phải các dị tật về tâm thần vận động.
Bổ sung vitamin K cho trẻ đúng cách
Vai trò của người mẹ rất quan trọng trong việc phòng thiếu vitamin K cho trẻ sơ sinh. Khi mang thai, mẹ nên chú ý bổ sung đầy đủ vitamin cho cơ thể. Một số thực phẩm giàu vitamin K cho phụ nữ mang thai như thịt nạc, bắp cải, trứng, cải xoăn, rau diếp, đậu hà lan…Ngoài ra, thai phụ cũng nên uống bổ sung thêm vitamin K1 theo chỉ định của bác sĩ.
Mẹ nên lưu ý cho trẻ tiêm hoặc uống bổ sung vitamin K1 hoặc K3 ngay sau khi sinh. Theo các bác sĩ, trẻ sẽ được uống vitamin K1 3 lần. Lần 1 ngay sau khi sinh, lần 2 lúc trẻ được 7 ngày tuổi và lần thứ 3 khi trẻ được 1 tháng tuổi. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu chảy máu, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và quyết định tiêm nhắc lại vitamin K hay không.
Trong quá trình cho con bú, mẹ vẫn nên tiếp tục chú trọng bổ sung thực phẩm giàu vitamin K vào trong bữa ăn hàng ngày để đảm bảo lượng vitamin cần thiết cho cơ thể trẻ.