Trẻ được coi là thiếu tháng nếu chào đời sớm hơn tuần thứ 37 của thai kỳ. Theo Healthsite, các cơ quan của trẻ sinh non vẫn chưa được phát triển đầy đủ, hệ miễn dịch còn kém chưa đủ khả năng chống lại nhiễm trùng. Do đó, trẻ sinh non cần được chăm sóc và chú ý nhiều hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Một em bé sinh non sẽ nhận được sự chăm sóc đầy đủ từ đội ngũ nhân viên y tế trong bệnh viện nhưng khi trẻ về nhà thì thách thức sẽ bắt đầu với cha mẹ. Vì vậy, bạn cần có những kiến thức cơ bản để chăm sóc trẻ được tốt hơn.
Những vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non
Nôn trớ
Nôn trớ là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sinh non. Đa phần trẻ vẫn phát triển bình bình thường và sẽ tự hết khi lớn nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn, trớ đi kèm với các triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng hoặc trẻ không có dấu hiệu tăng cân thì cần đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Táo bón
Việc trẻ sinh thiếu tháng bị táo bón cũng là rắc rối phổ biến, trẻ có thể không đại tiện vài ngày. Nếu trẻ bị táo bón thường xuyên, kéo dài thì rất có thể trẻ đã gặp những rối loạn khác ở hệ tiêu hóa. Cha mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ để tránh những vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.
Vàng da
Vàng da là hiện tượng rất hay thường gặp ở trẻ sinh non. Hiện tượng này xảy ra là do những hồng cầu của thai nhi bị vỡ, một lượng lớn bilirubin (chất sắc tố màu vàng) được giải phóng vào trong máu gây ra.
Trẻ sinh non bị vàng da có thể do sinh lý hoặc bệnh lý. Nếu vàng da do sinh lý, trẻ sẽ vẫn bú đủ, ngủ ngoan và không có dấu hiệu bất thường nào khác. Tình trạng vàng da cũng sẽ tự biến mất sau một thời gian ngắn.
Ngược lại vàng da do bệnh lý, trẻ sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như bỏ bú, lơ mơ hoặc ngủ lịm đi, khó đánh thức, khóc thét, người cong như con tôm cổ ngửa ra sau, sốt… Lúc này, mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời.
Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà
Cho trẻ bú sữa mẹ
Sữa mẹ là thức ăn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Nếu trẻ không chịu ti mẹ hoặc mẹ phải quay lại công việc thì hãy cố gắng vắt sữa và cho trẻ bú bằng sự giúp đỡ của các dụng cụ khác.
Trẻ đã bú đủ no hay chưa cũng là nỗi lo của cha mẹ trong thời gian này. Vào 2 tuần đầu, nếu trẻ đi ngoài mỗi ngày 3-4 lần, đi tiểu 6 lần trở lên và có vẻ nỏ nê sau mỗi cữ bú thì cha mẹ có thể yên tâm là con đã bú đủ. Từ cuối tuần thứ 2 trở đi, số lần đi ngoài của trẻ sẽ bắt đầu giảm.
Bổ sung vitamin và sắt
Trẻ sinh non có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt nên cần được bổ sung chất dinh dưỡng nhiều hơn so với trẻ đủ tháng. Theo các bác sĩ, các bé cần được uống thêm sắt và vitamin D để đảm bảo sức khỏe, với chất sắt sẽ uống duy trì trong vòng 1 năm đầu đời và tuyệt đối không uống kèm với sữa.
Tránh bổ sung sữa công thức
Mẹ sinh non thường ít sữa do nguyên nhân chính là con không bú mẹ trực tiếp, căng thẳng, thời gian mang thai ngắn, nhau thai hoạt động không tốt… Để ngăn tình trạng mất sữa, trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, mẹ cần dùng tay nặn sữa ra. Sữa mẹ rất quan trọng với trẻ sơ sinh nhưng nó còn quan trọng hơn rất nhiều sơ với trẻ sinh non. Sữa mẹ đảm nhận công việc của nhau thai, tiếp tục nuôi dưỡng em bé.
Mẹ nên cố gắng cho con bú sữa mẹ trong 4-6 tuần đầu sau sinh. Sau 6 tuần, khi nguồn sữa mẹ đã ổn định, mẹ có thể vắt sữa vào bình hoặc đan xen cho trẻ bú sữa công thức để trẻ làm quen vơi việc bú bình. Có rất nhiều loại sữa công thức, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại sữa phù hợp cho bé sinh non.
Ngăn ngừa nhiễm trùng
Hệ miễn dịch của thai nhi bắt đầu được xây dựng trong 3 tháng cuối thai kỳ. Đó chính là lí do trẻ sinh non dễ mắc nguy cơ nhiễm trùng hơn bởi khả năng miễn dịch chưa được hoàn thiện. Vì vậy, khi đưa trẻ về chăm sóc tại nhà thì ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cũng cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người lạ.
Giữ ấm cho trẻ
Bạn có thể giữ ấm cho trẻ bằng phương pháp kangaroo và phương pháp này hoàn toàn có thể được thực hiện bởi cả cha và mẹ. Nhẹ nhàng đặt trẻ ở giữa ngực để trẻ có thể cảm nhận được nhịp tim của cha mẹ, giúp trẻ cảm thấy ấm áp và an toàn hơn.
Mọi trẻ em đều được hưởng lợi từ phương pháp da tiếp xúc da này, nó giúp cải thiện tốc độ và sự phát triển não bộ của trẻ. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, trẻ sinh non được ủ ấm bằng phương pháp kangaroo thường xuyên sẽ tăng cân nhanh hơn.
Theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm
Khi trẻ xuất hiện một trong những triệu chứng như khó thở, thở ngắt quãng, lạnh bàn tay và bàn chân, xuất hiện cơn co giật, bú kém, hạ thân nhiệt…thì tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám kịp thời.