TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết sấu là loại cây quen thuộc tại nước ta với nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Vỏ rễ và lá cây sấu có thể dùng làm thuốc trong y học dân gian, có chức năng bổ tỳ vị, kiện thân, giải độc. Quả sấu có thể ăn được và được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Dầu hạt sấu có thể được sử dụng để làm đẹp và bôi trơn.
Các nghiên cứu hiện đại chỉ ra rằng, quả sấu là loại thực phẩm lành mạnh, giúp giảm béo, tăng sức mạnh cơ bắp.
Theo y học cổ truyền, sấu có tác dụng kiện vị, sinh tân, giải rượu và giải độc. Nó chủ trị các chứng chán ăn, sốt, khát nước, say rượu, đau họng, lở miệng, mụn nhọt, nôn mửa do thai nghén và các bệnh khác. Liều dùng 4 - 6g cùi quả sấu, sắc nước hay hãm với nước sôi hoặc dầm với muối hay đường rồi dùng.
Một số món ăn có sử dụng sấu có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng sự ngon miệng, phù hợp với người đang ốm, suy nhược cơ thể và nôn do thai nghén.
Theo TS Giang mặc dù đây là loại quả khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng thậm chí có những người cần hạn chế. Quả sấu tươi khi xanh thường có vị chua, nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng không nên ăn nhiều sấu, đặc biệt là khi đói, vị chua trong sấu sẽ làm tăng cảm giác cồn cào. Trẻ dưới 12 tháng tuổi hệ tiêu hóa còn yếu và nhạy cảm, thì không nên sử dụng sấu.
Ngoài ra, các món ăn như ô mai sấu hay nước sấu ngâm tuy có hương vị hấp dẫn, thơm ngon nhưng do chứa nhiều đường và muối nên chúng ta không nên ăn quá nhiều. Lượng đường lớn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp…
Việc sử dụng quá nhiều muối sẽ gây nên các vấn đề về thận, tim mạch và là nguyên nhân gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Không chỉ có vậy, ăn quá cay cũng gây hại cho dạ dày.
Vì thế, khi sử dụng cần pha loãng và chỉ nên dùng nước sấu 2-3 lần/tuần.