Thùy Dương Theo một báo cáo toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2017 trẻ em trên thế giới bị thiếu vitamin D chiếm tỉ lệ khá cao, Việt Nam và một số nước có tỉ lệ trẻ em thiếu vitamin D 45-55%.
Khi “bịt kín” từ nhà ra đường
Mỗi đêm, khi bé P.V.B. (4 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ngủ, mẹ phải thay áo cho bé 1-2 lần vì bé đổ mồ hôi rất nhiều.
Có đêm mẹ mệt quá ngủ quên, không thay áo thì hôm sau bé dễ bị nhiễm lạnh vì mồ hôi ngấm ngược lại cơ thể. Thấy vậy, ba mẹ đưa bé đi khám thì bác sĩ cho biết bé bị thiếu vitamin D.
Khi bác sĩ nói vậy, ba mẹ bé B. mới giật mình nhận ra đúng là B. rất ít khi được tiếp xúc với ánh nắng. Sáng, ba mẹ đưa B. đến trường bằng ôtô. B. học ở trường xong, chiều lại đi về bằng ôtô và ở riết trong nhà. Thứ bảy, chủ nhật cũng không ra ngoài trời...
Bác sĩ CK2 Phạm Văn Hoàng, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết ánh nắng là nguồn cung cấp vitamin D vô tận và tốt nhất, nhưng hiện nay nhiều trẻ em và ngay cả người lớn cũng thiếu vitamin D.
Nhiều người chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc tắm nắng. Trong khi các nghiên cứu khoa học đã cho thấy tắm nắng thường xuyên sẽ giảm được 40% nguy cơ mắc bệnh cúm, ngoài ra còn giảm nguy cơ mắc các bệnh chàm, hen (suyễn), dị ứng, thậm chí cả bệnh ung thư.
Lối sống của người Việt hiện nay cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thiếu vitamin D ở trẻ cũng như người trưởng thành. Người lớn và trẻ em đều đi làm, đi học từ rất sớm và lúc về đã tắt nắng... Chưa kể nhiều người có tâm lý sợ nắng, ngay từ sáng sớm ra đường đã bịt khẩu trang hoặc đi ôtô, đến cơ quan thì trốn nắng trong văn phòng...
Trẻ thiếu vitamin D sẽ có những biểu hiện như: chậm vận động, chậm mọc răng, hay giật mình về đêm, đổ mồ hôi nhiều, quấy khóc, rụng tóc, đau nhức cơ, đau nhức xương, mệt mỏi, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ và nặng hơn có thể bị còi xương làm cho xương mềm và biến dạng, co giật do hạ canxi máu, gãy xương...
Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh tắm nắng thường xuyên đem lại nhiều lợi ích như phát triển và duy trì sự bền vững của xương và răng, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, hỗ trợ hoạt động não và hệ thần kinh, điều hòa lượng insulin và giúp kiểm soát bệnh tiểu đường (giảm 88% nguy cơ tiểu đường), hỗ trợ chức năng phổi và tim mạch, tác động đến 200 gen gây bệnh ung thư...
Nên cho trẻ tắm nắng 20-30 phút/ngày
Theo bác sĩ Hoàng, nên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng 20-30 phút mỗi ngày. Tốt nhất nên tiếp xúc với ánh nắng từ 7h30 đến 9h vì nắng lúc này chưa có nhiều tia cực tím, còn nắng sau 10h có nhiều tia cực tím.
Còn những ngày nắng gắt như vừa qua thì nên tắm nắng từ lúc 7h đến 8h. Nếu sợ bị tổn thương da, sau 9h khi ra ngoài trời nên mang khẩu trang, thoa kem chống nắng để bảo vệ da.
Những ngày trong tuần, nếu trẻ không được tiếp xúc với ánh nắng thì cuối tuần các bậc phụ huynh nên dành thời gian cho trẻ tắm nắng và người lớn cũng cần có thời gian tiếp xúc với ánh nắng.
Trẻ mặc quần áo ngắn, đi bộ dưới nắng được coi là cách tắm nắng tốt nhất vì vừa tiếp xúc được với ánh nắng vừa vận động, giúp mật độ của xương được chắc hơn.
Những trường hợp không ra nắng được trong một thời gian dài như nơi ở không có hoặc thiếu ánh nắng, bệnh nằm lâu không ra ngoài được thì cần bổ sung vitamin D, vì vitamin D cung cấp qua thực phẩm chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của cơ thể.
Khoảng 80% vitamin D trẻ nhận được là từ tắm nắng, còn lại trẻ sẽ nhận được từ thực phẩm. Những thực phẩm giàu vitamin D tự nhiên là: gan, cá chứa dầu (cá trích, cá mòi, cá hồi, cá thu), lòng đỏ trứng. Với những bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ và thiếu vitamin D thì cần xem xét bổ sung vitamin D cho cả mẹ và con.
Bác sĩ Hoàng tư vấn trẻ sơ sinh bú mẹ cần bổ sung vitamin D với khoảng 10mcg (hay 400IU)/ngày và bổ sung tới khi trẻ có chế độ ăn cung cấp đủ nhu cầu vitamin D.
Đối với các bé sơ sinh không thể tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mỗi ngày cần bổ sung vitamin D với lượng 800IU/ngày. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo đối với trẻ bú mẹ và trẻ bú sữa công thức nhưng uống dưới 1 lít/ngày cần bổ sung vitamin D với lượng 400IU/ngày ngay từ lúc mới sinh.