Tuy nhiên, mẹ hãy chú ý một số điều sau đây khi bé tới giai đoạn này để chắc chắn rằng trẻ đang phát triển bình thường và đúng hướng.
Thời điểm bé biết lẫy
Người xưa có câu: “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. Giai đoạn 3 tháng là thời điểm biết lẫy của bé theo kinh nghiệm được đúc kết từ dân gian.
Nhưng thực tế, thời điểm biết lẫy ở nhiều bé là khác nhau, trẻ sẽ bắt đầu tập lẫy khi trẻ được 2 hoặc 3 tháng, số khác trễ hơn vào 4-5 tháng tuổi.
Cá biệt, cũng có một số bé bỏ qua luôn giai đoạn này để chuyển sang biết ngồi, biết bò (dân gian gọi là "trốn lẫy"). Trong thời gian này trẻ có thể chuyển người sang tư thế nằm úp, sau đó bắt đầu di chuyển tiến lên phía trước và lùi về phía sau, Tuy nhiên, trẻ không đủ lực nên chỉ xoay quanh một vị trí. Khi bé đủ chắc, những chuyển động này khiến trẻ trườn được.
Nếu đến 6 tháng tuổi mà trẻ chưa lẫy được, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuy nhiên, trẻ phát triển kỹ năng thể chất ở mức độ khác nhau nên có nhiều trẻ biết lẫy sớm hơn hoặc muộn hơn những trẻ khác.
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc lẫy của bé
Lẫy tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng trước tiên là ở sự cứng cáp của bé. Những bé sinh non thường có xu hướng chậm bắt kịp tốc độ phát triển so với những bé sinh đủ ngày.
Có thể bạn thấy khó tin nhưng tính cách cũng ảnh hưởng đến việc bé biết lẫy sớm hay muộn. Theo William (tác giả cuốn The baby book – tạm dịch Cuốn sách cho bé), những bé hiền lành, trầm tính thường biết lẫy chậm hơn so với những bé năng động, hướng ngoại.
Trọng lượng cơ thể cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tập lẫy của bé. Những bé bụ bẫm thường biết lẫy muộn hơn và những bé nhỏ người thường biết lẫy sớm hơn.
Những bé thường xuyên được đặt nằm ngửa sẽ biết lẫy chậm hơn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà mẹ đặt bé nằm sấp khi ngủ.
Tác dụng của việc lẫy đối với bé
Biết lẫy không chỉ giúp tăng vận động tự lập cho bé mà còn hỗ trợ cho bé học ngồi, đứng về sau. Ngoài ra, học lẫy còn giúp bé phối hợp hoạt động cơ bắp, giúp bé khỏe mạnh. Cơ bắp khỏe mạnh là chìa khóa giúp bé học ngồi, bò và thực hiện nhiều hoạt động quan trọng khác.
Quá trình lẫy sẽ giúp bé tránh được chứng bẹp đầu. Vì khi bé nằm quá nhiều, chứng bẹp đầu là điều khó tránh khỏi.
Bé tập lẫy sẽ có khả năng quan sát môi trường xung quanh với nhiều góc độ khác nhau. Ngay cả trước khi bé biết bò, bé đã có thể khám phá thế giới bằng cách quay đầu và vặn mình ở nhiều tư thế khác nhau. Điều này có thể hỗ trợ đáng kể đến việc phát triển nhận thức.
Quá trình lẫy cũng hỗ trợ phát triển tầm nhìn vì bé có thể học cách tập trung quan sát các vật thể. Bé tập lẫy nhiều sẽ hạn chế được chứng trẹo cổ. Trẹo cổ là khi cơ cổ căng ra và kéo đầu nghiêng về một hướng cố định.
Vì vậy, mẹ cần nên hỗ trợ và khuyến khích bé lẫy hằng ngày, tránh việc ngại cho bé lẫy vì sợ bé mệt hoặc khi thấy bé gào khóc do những khó khăn khi mới bắt đầu.
Giúp bé lẫy đúng cách và an toàn
Để tập lẫy cho bé an toàn và đúng cách, mẹ cần lưu ý những điều sau:
Thời gian tập lẫy của bé không nên kéo dài, mỗi lần chỉ khoảng 2 – 3 phút và số lần này tùy thuộc vào điều kiện cũng như sức khỏe của bé.
Giai đoạn bé tập lẫy chính là khoảng thời gian để bạn gần gũi, tình cảm với bé hơn. Vì vậy, bạn nên kiên nhẫn, cổ vũ, khen ngợi và cùng tập lẫy với bé để bé có thêm động lực.
Không nên cho bé tập lẫy khi vừa bú no sữa hoặc lúc bé không cảm thấy thoải mái. Nếu không bé sẽ dễ bị nôn ra sữa và cảm thấy khó chịu.
Sau khi bé đã biết lẫy, bạn có thể đặt đồ chơi ở cách xa bé một chút để bé có ý thức phải lăn qua lăn lại cho gần với đồ chơi hơn. Làm vài lần như vậy bé sẽ thích lẫy hơn và dần dần biết trườn thành thạo.
Khi trẻ biết lẫy, mẹ không nên tùy tiện cho trẻ nằm trên ghế sopha, nằm ở giường một mình. Vì chỉ cần một cú lẫy thì con hoàn toàn có thể bị rơi xuống sàn bất cứ lúc nào. Đây chính là lưu ý quan trọng mà bạn nên nhớ khi trẻ bắt đầu biết lẫy.
Bé có thể lẫy cả vào ban đêm khi giật mình thức giấc. Do đó, mẹ cần lưu ý đến bé, không đặt bé cạnh mép giường cũng như những vật xung quanh bé, tránh khi bé lẫy sẽ bị va chạm.