Qua 6 tháng nghỉ sinh, đa số các mẹ sẽ phải quay lại với công việc của mình. Đây là khoảng thời gian nhiều mẹ tập cho con ti bình để yên tâm hơn khi đi làm. Việc chuyển từ ti mẹ sang ti bình không phải là việc đơn giản đối với cả mẹ và bé.
Nhiều bé tỏ ra không hợp tác, gào khóc không chịu ti bình thậm chí là bỏ luôn cả cữ sữa. Vậy để con nhanh chóng quen với việc ti bình, các mẹ phải rèn luyện cho con như thế nào? Các mẹ cùng tìm hiểu kinh nghiệm chia sẻ của một bà mẹ còn rất trẻ ở An Giang để áp dụng cho con mình nhé!
Đó là trường hợp mẹ con chị Yến Nhi. Vì lý do công việc, chị Nhi đã tập cho con trai mình là bé Đậu (sinh ngày 2/8/2018) tập ti bình một cách nhẹ nhàng nhất. Chị chia sẻ: "Trong cuộc đại chiến ti bình, mình đã thắng Đậu nên mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho các mẹ khác.
Điều quan trọng nhất chính là tinh thần thép của mẹ. Chắc chắn bé sẽ quấy khóc vì đói nhưng mẹ hãy niệm chú “mackeno” (mặc kệ nó). Mình tập cho Đậu 3 ngày là thành công.
Ti bình theo cữ 4h/lần (đối với bé trên 3 tháng tuổi) và ti bình hoàn toàn trong những ngày tập, có thể cắt ăn dặm hoàn toàn đối với bé đang ăn dặm.
Tập trong phòng chỉ có hai mẹ con. Vì tập ở ngoài khi thấy ba hay bà ngoại là Đậu cầu cứu ngay.
Cho bé chơi làm quen với bình và dùng phương pháp thủ thỉ với con để con biết điều gì sắp xảy ra.
Lựa chọn loại bình có núm ti mềm, size núm phù hợp với tháng tuổi. Ở đây mình chọn bình Pigeon, Lanshinoh có núm rất mềm giống ti mẹ, mình chọn size LL, đục thêm lỗ. Vì Đậu rất háu ăn.
Đến lúc bé ti được lượng sữa sẽ tăng dần lên theo từng ngày nên mẹ không cần phải sốt ruột.
Đậu đã từng nhịn 5 tiếng, vậy mà xong con cũng chỉ nhai nhả chừng 10ml, 20ml. Bây giờ lượng ăn của Đậu đã ổn định từ 180-200ml mỗi cữ. Đến giờ sữa thấy bình là phấn khích chứ không từ chối kịch liệt như trước nữa.
Ngoài ra, trước khi chính thức bắt đầu tập cho con ti bình, mẹ cần dành thời gian cho con làm quen với "người bạn mới" của mình bằng cách cho chút sữa vào bình để con ngậm, nhai thậm chí là cầm chơi.
Trước khi đi làm khoảng 2 tuần, mẹ hãy tập cho con ti bình để đến khi mẹ vắng nhà con đã quen với việc ti bình.
Nếu được trong thời gian tập ti bình cho con, mẹ hãy nhờ sự hỗ trợ của bà nội, bà ngoại hoặc người sẽ trông bé trong thời gian mẹ vắng nhà. Làm như vậy, con sẽ không nhõng nhẽo đòi ti mẹ trực tiếp, làm ảnh hưởng đến việc tập ti bình của con đang diễn ra.
Mẹ hãy đợi con đói một chút rồi cho con ti bình. Làm cách này, con sẽ có phản xạ bú, mút tốt hơn, hợp tác với mẹ hơn.