Theo các chuyên gia y tế, để chiến thắng và đẩy lùi đại dịch Covid-19, vaccine vẫn là chìa khóa. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận các trường hợp đã được tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19.
Những yếu tố nào khiến một người đã tiêm vaccine có nguy cơ mắc Covid-19?
Hiệu quả của vaccine
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, cho biết vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna thường được biết đến với hiệu quả (vaccine effectiveness) là khoảng trên 90%, AstraZeneca là hơn 70%, sau 2 hoặc 3 tuần được tiêm mũi thứ 2.
Điều này có nghĩa là không phải 100% người được chích vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc AstraZeneca không có nguy cơ bị nhiễm virus. Do vậy, người dân cần giữ ý thức phòng ngừa lây nhiễm dù đã được chích vaccine khi đang ở trong vùng dịch.
Khi được tiêm chủng, các thành phần có trong vaccine sẽ kích thích cơ thể tạo ra "kháng thể" đặc hiệu. Các kháng thể này có khả năng nhận diện và bám lên bề mặt virus khi chúng có cơ hội tiếp xúc cơ thể của bạn qua dịch trong người như nước mũi, nước bọt và cả nước mắt…
Các kháng thể này bám lên virus (cụ thể là protein S của virus) và bất hoạt chúng trước khi chúng có thể chạm lên tế bào của bạn để vào bên trong. Do vậy, virus không thể xâm nhiễm vào bên trong tế bào và bạn sẽ không bị bệnh.
"Để dễ hình dung, các kháng thể này như những tấm khiên được tạo ra để ngăn những mũi tên của quân địch bắn tới. Mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn những mũi tên này phụ thuộc vào 'chất lượng của những tấm khiên' và 'mật độ của những mũi tên'. Dĩ nhiên, không có tấm khiên nào có thể đảm bảo 100% hiệu quả bảo vệ", tiến sĩ Vũ nói.
Biến chủng nguy hiểm
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, các chủng virus nguy hiểm hơn sẽ có xác suất nhiễm cao hơn. Đến nay, có 4 biến chủng virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, biến chủng Delta được đánh giá nguy hiểm nhất, là chủng thống trị trên toàn cầu bởi khả năng lây lan cao…
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, người dân không nên quá lo lắng vì vaccine vẫn còn hiệu quả bảo vệ trước chủng Delta. Một nghiên cứu ở Anh đăng trên tạp chí NEJM đã cho thấy đối với chủng Delta, hiệu lực của vaccine Pfizer vẫn còn 88% và AstraZeneca là 67%. Trong dữ liệu trên ở Massachusetts, Mỹ, cũng cho thấy là hầu hết người đã vaccine đầy đủ không nhập viện và không có ca tử vong nào (2 ca nhập viện trong đó có bệnh nền). Ngoài ra, số liệu trên toàn nước Mỹ cũng thấy rằng khoảng 97% số ca nhập viện mới và 99,5% số ca tử vong do Covid-19 nằm trong số những người không tiêm chủng.
"Biến thể Delta có thể đem lại nhiều thách thức mới cho việc chống dịch của các nước trên thế giới và cả Việt Nam. Vaccine vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong đại dịch này", TS Nguyễn Hồng Vũ cho hay.
So với những người chưa tiêm chủng, trường hợp đã được tiêm đầy đủ ít có nguy cơ bị nhiễm bệnh bởi chủng Delta hơn khoảng 5 lần, khả năng nhập viện vì Covid-19 thấp hơn 10 lần và nguy cơ tử vong do biến thể này thấp hơn 11 lần.
Thời gian kích hoạt hệ miễn dịch
TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ) cho biết các thử nghiệm lâm sàng cho thấy sau 4 tuần kể từ liều đầu tiên, vaccine Covid-19 đã có thể bảo vệ, giúp giảm nguy cơ phải nhập viện. Hai tuần sau liều thứ 2, cơ thể đã tạo được khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.
Sau liều vaccine đầu tiên, cơ thể cần thời gian để kích hoạt hệ thống miễn dịch nên trong vòng 2, thậm chí là 3 tuần, nguy cơ lây nhiễm của người được tiêm vẫn rất cao. Nhiều báo cáo ghi nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 sau liều đầu tiên. Các nhà nghiên cứu không hề ngạc nhiên với điều này. Kể cả khi đã tiêm đủ 2 liều, bạn vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh dù xác suất này không nhiều.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã đưa ra nhận định hiệu quả có khả năng giảm dần theo thời gian. Đó là lý do khoảng nhiều nước đang có kế hoạch tiến hành mũi tiêm nhắc lại sau 6-8 tháng.
Hệ miễn dịch
Theo TS Vũ, các nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả của vaccine Covid-19 trong ở nhóm người có hệ miễn dịch bị suy giảm, cụ thể là các trường hợp ghép tạng, mắc bệnh ung thư, có khiếm khuyết về sự phát triển của tế bào miễn dịch..., không cao như trường hợp có sức khỏe bình thường ngay từ những những mũi đầu.
Đồng quan điểm, TS Phạm Đức Hùng cũng cho rằng nguy cơ sẽ phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của mỗi người. Người cao tuổi, bị HIV, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (bệnh nhân ghép tạng), sử dụng Glucocorticoid kéo dài..., có hệ miễn dịch kém. Những trường hợp này thường có mức độ bảo vệ từ vaccine thấp hơn hoặc suy yếu nhanh hơn.
Khuyến cáo
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19. Tất cả vaccine được cấp phép hiện nay đều hiệu quả cao trong việc tạo ra kháng thể nhằm ngăn ngừa triệu chứng nặng dễ dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó, dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine, chúng ta vẫn cần tiếp tục tuân thủ 5K. Hãy đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác, khử khuẩn tay và vệ sinh môi trường sống, không tụ tập, giãn cách tối thiểu 2 mét và khai báo y tế trung thực. Vaccine không phải là tất cả.
"Hãy ăn uống đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh, sống tích cực. Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên và có ý thức phòng bệnh. Người có bệnh nền nên điều trị và theo dõi để tránh nguy cơ diễn tiến nặng. Cuối cùng, người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng nghi nhiễm hoặc yếu tố dịch tễ liên quan Covid-19. Việc này giúp bạn chẩn đoán xác định sớm, cách ly điều trị nhanh, theo dõi chặt để giảm và ngăn ngừa các nguy cơ bệnh nặng", TS Phạm Đức Hùng nói.