Phụ Nữ Sức Khỏe

Người Việt ở Daegu mất việc vì virus, lo bị kỳ thị ‘Vũ Hán thứ hai’

Sau "ca bệnh 31" siêu lây lan, dịch corona (Covid-19) đã “chạm” tới nhiều người Việt sống ở thành phố Daegu của Hàn Quốc, dù là ngay trên lớp, cạnh tòa nhà hay giữa làn nước tẩy trùng.

Phạm Thị Huyền đang cùng cả lớp tiếng Hàn tại thành phố Daegu, Hàn Quốc đang ôn thi ngày 19/2 cho bài thi kết thúc học kỳ ngày hôm sau. Dù định đi du lịch hay làm thêm, cả lớp đều mong tới kỳ nghỉ.

Nhưng tất cả đã bất ngờ khi cô giáo thông báo vừa nhận tin số ca nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) đã tăng vọt ở Daegu. Một bệnh viện ở cách trường hơn 1 km đã phải đóng cửa, nhiều điểm khác bị phong tỏa vì “bệnh nhân 31” từng đi qua.

Khoảng hơn 120 thành viên giáo phái Shincheonji đã bị lây virus, bắt nguồn từ “bệnh nhân 31”, một phụ nữ 61 tuổi đã dự ít nhất bốn thánh lễ trước khi được xét nghiệm dương tính.

“Cô giáo nói không thể tin được, mọi người giật mình”, Huyền, 19 tuổi, nói với Zing.vn từ Daegu. “Bọn em cảm thấy hoang mang... mọi người nói với nhau về khả năng bị phong tỏa, có thể là Vũ Hán thứ hai”.

Cách 1 km hay cạnh tòa nhà, dịch bệnh đang tới rất gần, theo một số người Việt ở Daegu trao đổi với Zing.vn. Hàn Quốc có thêm 100 ca nhiễm mới trong ngày 21/2, trong đó 85 ca mới liên quan tới các thánh lễ ở Daegu.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân virus corona tới bệnh viện ở Daegu, nơi cũng có một căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Ảnh: Yonhap.

Riêng với Huyền, dịch bệnh bùng phát ở Daegu, thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc với 2,5 triệu dân, còn là sự lặp lại của những hoang mang mà chính cha mẹ Huyền ở Việt Nam gặp phải nhiều tuần nay, do sống ngay gần xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, cũng từng là một “tâm dịch”.

Hàng quán đóng cửa, sinh viên mất việc

Sau thông báo bất ngờ, lớp học của Huyền tại Cao đẳng Yeungnam, Daegu, tiếp tục đến hết giờ trong sự hoang mang, nhưng bài thi hôm sau thì bị hoãn.

Dịch bệnh bùng phát ở Daegu đúng vào kỳ nghỉ của Huyền, là lúc các bạn trong lớp Huyền thường đi du lịch, hoặc đi làm thêm. “Nếu không có việc làm cũng có thể đi làm nông ở các tỉnh khác... bây giờ ở Daegu chắc không ra được các tỉnh khác làm việc, du lịch, mình bị coi là dịch rồi”, Huyền nói. “Nếu phong tỏa thì chắc chắn sẽ bị kỳ thị”.

Ngay chiều hôm đó, chủ quán nơi Huyền chuẩn bị làm thêm thông báo đóng cửa. Các bạn của cô sắp đi làm cũng đều được báo nghỉ, gây khó khăn về tài chính.

“Tất nhiên không xin được việc khác”, Huyền nói. “Không đi làm thì mọi thứ tiền vẫn đổ về bình thường, tiền học, tiền ký túc xá vẫn phải đóng đúng hạn”.

Ra ngoài đường, ai cũng đeo khẩu trang. Huyền thấy các đội phun thuốc khử trùng ở nhiều nơi. Tại một khu chợ, họ phun thuốc lên xe taxi, cả bên trong taxi, tay cầm đằng sau cốp, thậm chí người đi qua đi lại nếu muốn được khử trùng.

Một chuyến tàu điện ngầm ở Daegu ngày 21/2. Ảnh: AP.

Trong khi ca nhiễm ở Hàn Quốc tiếp tục tăng chóng mặt (từ 51 ca tối 19/2, lên tới 82 sáng 20/2, lên 156 sáng 21/2, lên 204 cuối ngày 21/2), Huyền không tìm mua được khẩu trang dù đi nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị, lên cả trung tâm thành phố. Chỉ đến ngày 21/2, cô mới mua được tại một hiệu thuốc, với giá đổi ra tiền Việt là 180.000 đồng / 3 chiếc.

Thị trưởng Daegu, nói thành phố đang đối mặt “khủng hoảng chưa từng có”, đã kêu gọi cư dân hãy ở nhà, trong khi đường dẫn tới các khu quân sự của Mỹ đã bị giới hạn, theo AFP.

“Người dân mua về tích trữ, không còn gì hết”

Nhiều cửa tiệm, hàng quán ở trung tâm Daegu đã đóng cửa, các khu lân cận có thể mở nhưng vắng khách. Siêu thị khan hiếm đồ ăn, theo những người Việt ở Deagu.

Ngày 21/2, Huyền cùng bạn ra siêu thị mua đồ tích trữ cho hai tuần. Thường ngày, giờ tan tầm trên tàu điện ngầm rất đông, nhưng hôm nay tàu trống nhiều chỗ. Mọi người mua hàng cũng gấp gáp hơn.

“Bình thường đi chợ, mọi người mua khá từ từ, không đến nỗi đông lắm, nhưng hôm nay, giỏ để đựng đồ không còn nữa, những thứ bên này ăn nhiều như mì tôm cũng hết, đồ gia dụng không còn nhiều lắm”, Huyền nói.

“Người dân mua về tích trữ, không còn gì trong đó hết”, Lê Khánh Hoài Nam, 30 tuổi, kể lại với Zing.vn, khi đang đưa mẹ đi khám tại bệnh viện.

Nam, sinh viên Đại học Quốc gia Kyungpook, cho biết phải đo thân nhiệt và phun thuốc tẩy trùng người trước khi vào cổng bệnh viện. Điện thoại của anh mỗi ngày nhận khoảng 10 thông báo về dịch bệnh, số ca nhiễm và cách phòng bệnh. Daegu đang trong giai đoạn “khá căng thẳng”.

“Lên xe buýt có nước rửa tay sát trùng và phải đeo khẩu trang”, Nam nói thêm. “Tàu điện ngầm sau mỗi lượt khách... sẽ có người lau chùi vệ sinh liên tục những vị trí như khe đút tiền, khe quẹt thẻ”.

Cha mẹ ở tâm dịch, con cũng ở tâm dịch

Tụ tập đông người, ăn uống đều đang phải tránh, nhiều người giữ khoảng cách, theo những người Việt tại Deagu.

Mẹ của Nam không theo phái Shincheonji, mà hàng loạt tín đồ đã lây bệnh từ “bệnh nhân 31” sau các buổi thánh lễ. Bà theo đạo Tin lành, nhưng cũng được nhà thờ thông báo cuối tuần này không đến cầu nguyện như thường lệ. Giáo phái Shincheonji đã đóng cửa các cơ sở trên toàn quốc.

Tương tự, buổi ăn uống giữa nhân viên phòng lab của Đỗ Thị Yến, 26 tuổi, sinh viên năm nhất thạc sĩ ngành y - sinh tại Daegu, cũng phải hủy.

Dịch bệnh cũng tới ngay gần Yến vào ngày 19/2, khi phòng lab của cô nằm ngay cạnh bệnh viện mà cùng ngày đã tiếp nhận một số ca nhiễm virus corona. Trước đây Yến vẫn ra vào bệnh viện vì công việc, nhưng sau ngày 19/2, mọi cuộc họp của Yến ở bệnh viện bị hủy. Các lối vào bị đóng, chỉ để một cửa ra vào. Khu cấp cứu bị cách ly.

“Vì đây là khu làm việc nên phố xá vẫn có người, cũng vắng hơn, không vắng hẳn. Nhưng trước đây có vài xe bán hàng, thì từ hồi có bệnh nhân (virus corona) họ không qua đây bán nữa”, Yến nói với Zing.vn từ Daegu.

Phòng lab của Yến để sẵn nước rửa tay, khẩu trang ở cửa. Thậm chí, cô kể rằng bảo vệ đã bắt buộc một bạn người Hàn Quốc phải đeo khẩu trang. Bình thường dọn vệ sinh vào buổi sáng, nhưng vừa rồi, mọi nhân viên phải nghỉ 1-2 tiếng để vệ sinh lại toàn bộ toàn nhà.

Vài ngày qua kể từ 19/2, Yến chưa đi tàu điện ngầm do may mắn có thể đi bộ đi làm. “Nhưng giờ mình cũng sẽ không đi, tầm 16-17h (trên tàu) cũng đông lắm”, cô nói.

Huyền, sinh viên theo học tiếng Hàn từ Vĩnh Phúc, tỏ ra lo ngại khả năng Daegu trở thành “Vũ Hán thứ hai”. Cô hiểu rõ tác động của việc sống gần ổ dịch hay bị phong tỏa, vì chính cha mẹ cô ở nhà sống ngay gần xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, cho đến vài ngày trước vẫn là “tâm dịch” virus corona của Việt Nam. Đến nay, tất cả ca nhiễm ở Vĩnh Phúc và trên toàn Việt Nam đều đã khỏi bệnh.

“Mẹ em bán tạp hóa ở chợ, nói tới 30 phút không có ai đi qua, mọi người có đi chợ đâu, chỉ đặt hàng tạ gạo tích trữ trong nhà”, Huyền nói. “Bố em làm nghề mộc, đóng giường tủ, bàn ghế chuyển xuống miền Trung để họ bán, nhưng từ khi dịch xảy ra, một số người không nhận từ người Vĩnh Phúc... khiến nhà em gặp khó khăn”.

“Trên Facebook có một số người nói về Vĩnh Phúc không hay cho lắm, ý như muốn cách ly mình... cứ người Vĩnh Phúc là bị như vậy. Em mong mọi người không có những lời lẽ không hay về người dân Vĩnh Phúc”.

Sinh viên Trung Quốc ở ký túc riêng

Cách Daegu vài trăm km tại thủ đô Seoul, Nguyễn Thị Dung, 23 tuổi, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Dongguk, vừa mới trở lại Hàn Quốc ngày 18/2 sau chuyến về thăm Việt Nam, thì đến ngày 19/2 có tin về “bệnh nhân 31” là ca “siêu lây nhiễm” ở Daegu.

Cảnh sinh viên Trung Quốc chuyển đồ về khu riêng.

“Ở Việt Nam bắt đầu thấy yên tâm do các ca bệnh gần khỏi rồi, qua Hàn thì lại bùng dịch nên cũng có chút lo lắng”, Dung nói với Zing.vn từ Seoul.

So với trước chuyến về thăm nhà ở Hà Nội hồi tháng 2, trường của Dung đã có nhiều thay đổi vì dịch bệnh.

Các sinh viên Trung Quốc hoặc đã đi Trung Quốc về được trường của Dung yêu cầu dồn vào một ký túc xá, các sinh viên còn lại sẽ ở ký túc xá khác, Dung được biết qua thông báo và trang blog của trường. “Chuyển mấy ngày nay rồi, vali to nhỏ ra vào suốt”, sinh viên năm ba ngành quảng cáo và PR nói.

Cô còn nhận được tin nhắn yêu cầu phải sớm chuyển phòng, nhưng may thay đó chỉ là nhầm lẫn.

Tất cả nhân viên trong trường, từ bảo vệ đến các thầy cô, đều đeo khẩu trang. Văn phòng phụ trách sinh viên vừa lắp kính để ngăn cách giữa nhân viên và khách. Viện đào tạo tiếng Hàn vốn đang trong kỳ học đã cho sinh viên nghỉ. Một số lối đi bị chặn, camera đo thân nhiệt được lắp tại một số lối đi.

Nhưng Dung không cảm thấy hoang mang. Công việc đi dạy tiếng Việt chỉ 2 buổi/tuần không đòi hỏi phải tiếp xúc nhiều. Trường đã thông báo lùi lịch học từ đầu tháng 3 sang giữa tháng 3.

“Lên tàu bắt buộc phải đeo khẩu trang, không đeo chắc sẽ bị mọi người xung quanh nhìn”, du học sinh đến từ Hà Nội nói.

Tương tự, Đỗ Thanh Huyền, 35 tuổi, giáo viên tiếng Anh bán thời gian tin rằng Hàn Quốc sẽ phòng dịch “tương đối tốt”, dựa vào những thay đổi cô chứng kiến gần đây.

Hệ thống tàu xe liên tục có cảnh báo qua màn hình, loa, liên tục được sát trùng. Có chuyến, Huyền ngồi tới cuối bến, thấy nhân viên lên xe ở nơi trung chuyển để sát trùng. Trên xe buýt cũng thông báo khung giờ sát trùng, có chuyến sát trùng 6 lần/ngày.

Đi siêu thị, Huyền, sống cách Seoul 30 km, thấy nhân viên cũng sát trùng các làn xách đồ, rồi phân ra làn đã dùng để một bên, làn mới sát trùng để một bên, thường là bên phải để khách tiện cầm theo khi vào.

Mỗi ngày lúc 14h, Huyền vẫn nhận cập nhật số ca nhiễm. Ứng dụng bản đồ đánh dấu những nơi các ca bệnh từng đến, “để biết điểm nào cần chú ý cẩn thận hơn, không tháo khẩu trang, không chạm nhiều”, Huyền nói với Zing.vn từ ngoại ô Seoul.

Theo Trọng Thuấn - Hương Ly/Zing

Tin liên quan

Thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc vắng như tờ sau sự kiện "siêu lây nhiễm" virus Corona

Tất cả các đường phố tại Daegu – thành phố lớn thứ tư tại Hàn Quốc, hầu như đã không...

'Vệ sinh sạch sẽ quan trọng hơn xếp hàng mua khẩu trang'

Ở nhà vệ sinh sạch sẽ còn hơn ra đường xếp hàng từ sáng sớm, tranh giành mua từng hộp...

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nộp xong gần 1.200 tỷ thi hành án

Đại diện Tập đoàn Trung Nguyên cho biết, vụ án ly hôn kéo dài hơn 5 năm của vợ chồng...

Khẩn cấp truy tìm hơn 1.000 hành khách trên du thuyền cập cảng ở Campuchia

Tình hình có thể khó kiểm soát hơn khi hơn 1.000 hành khách của du thuyền MS Westerdam cập cảng...

Xếp hàng dài chờ mua bánh mì thanh long 'giải cứu' nông sản Việt

Cứ 20 phút là một mẻ bánh mì thanh long "giải cứu" nông sản Việt được ra lò, vèo 5...

Hàng trăm người xếp hàng mua khẩu trang, bức xúc khi bảo vệ của cửa hàng nói đã hết số

Rạng sáng, hàng trăm người từ các quận thành khác nhau kéo đến xếp hàng tại một tiệm thuốc nằm...

Bác sĩ thiếp đi ở hành lang vì kiệt sức sau 16 tiếng làm việc liên tục

Mặc nguyên đồ bảo hộ kín mít, bác sĩ Zhang Rui dựa vào tường ngủ gục sau một đêm thức...

Tin mới nhất

Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn

21 giờ trước

Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm

22 giờ trước

Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình

1 ngày 12 giờ trước

Vì sao con người lùn đi khi về già?

1 ngày 12 giờ trước

Đàn ông cũng cần được khóc

1 ngày 12 giờ trước

Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại ở 1 huyện

1 ngày 16 giờ trước

Bộ Y tế trả lời về đề nghị cân nhắc sửa toàn diện Luật Bảo hiểm y tế

1 ngày 17 giờ trước

Có 3 loại cây nhà giàu nào cũng thích: Trồng trước nhà hút tài lộc đuổi vận xui, trồng sau...

1 ngày 21 giờ trước

Ăn canh nấm rừng, 8 người bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu khẩn

1 ngày 21 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình