Khoai lang là loại cây thân thảo thuộc họ hoa lưỡi rìu. Củ khoai lang cấu trúc phân lớp gồm lớp vỏ bên ngoài và lớp thịt bên trong. Vỏ củ khoai lang có thể màu da cam, tím, đỏ hoặc trắng tùy từng loại. Lớp thịt bên trong cũng có màu trắng, cam hoặc tím, tùy thuộc vào giống khoai và dinh dưỡng chứa đựng bên trong.
Đây là loại thực phẩm quen thuộc trong đời sống của chúng ta. Trong khoai lang hàm lượng tinh bột thấp và chưa rất nhiều vitamin quan trọng cho sức khỏe.
Giá trị dinh dưỡng của củ khoai lang
Theo bài viết trên website hellobacsi có sự tham vấn y khoa của bác sĩ Nguyễn Thường Hanh - Nội khoa - Nội tổng quát, Bệnh Viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tác dụng của khoai lang phụ thuộc nhiều vào giá trị dinh dưỡng của nó. Trong 100g củ khoai lang có hàm lượng đáng kể các chất dinh dưỡng, khoáng chất cùng nhiều vitamin sau:
- Vitamin A: Nhiều nhất trong khoai lang cam - chứa hàm lượng lớn beta-carotene, khả năng cải thiện thị lực và bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Trung bình 1 củ khoai lang chứa hơn 120% lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.
- Vitamin C: Nhiều nhất trong khoai lang đỏ - chất chống oxy hóa quan trọng cho hệ miễn dịch, giảm viêm nhiễm và tăng khả năng phục hồi của cơ thể. Mỗi củ khoai lang cung cấp khoảng 45% nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể.
- Vitamin B6: Hỗ trợ quá trình chuyển hóa protein, đường và chất béo của cơ thể. Không những thế, đây còn là nguồn cung cấp năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể và hệ thần kinh.
- Chất xơ: Chất xơ trong khoai lang giúp cải thiện sức tiêu hóa và duy trì cân nặng ổn định. Chất xơ cũng có khả năng giúp kiểm soát đường huyết và tăng cảm giác no. Mỗi củ khoai lang có thể cung cấp 4 - 6g chất xơ cho nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày để duy trì cân nặng ổn định và kiểm soát đường huyết.
- Kali: Mỗi củ khoai lang chứa khoảng 15% lượng kali cho nhu cầu cơ thể hàng ngày. Đây là khoáng chất cần cho các hoạt động cơ bản của cơ thể như hoạt động của hệ thần kinh và cơ bắp.
- Sắt: Trung bình 1 củ khoai lang có thể cung cấp 15 - 20% lượng sắt mà cơ thể cần mỗi ngày. Sắt tạo ra hồng cầu và cung cấp oxy cho các tế bào trong cơ thể.
- Mangan: Mỗi củ khoai lang cung cấp khoảng 25 - 30% lượng mangan cho nhu cầu của cơ thể mỗi ngày. Mangan là khoáng chất quan trọng cho nhiều quá trình trong cơ thể, đặc biệt là cung cấp năng lượng và hỗ trợ sức khỏe của hệ xương.
Vậy thường xuyên ăn sáng bằng khoai lang sẽ mang lại những thay đổi gì cho cơ thể?
Tăng cường khả năng miễn dịch
Mỗi dịp giao mùa, hoặc thời tiết sang đông lạnh cũng khiến khả năng mắc các bệnh cao lên. Lúc này, việc tăng cường sức đề kháng của cơ thể là đặc biệt quan trọng. Khoai lang là một lựa chọn tốt bởi nó rất giàu vitamin và khoáng chất, có thể tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và giúp cơ thể chống lại virus.
Buổi sáng bạn có thể ăn sáng bằng khoai lang để cung cấp cho cơ thể đầy đủ dinh dưỡng. Đồng thời, chất xơ trong khoai lang có thể thúc đẩy nhu động ruột, giúp hệ tiêu hóa của cơ thể hoạt động trơn tru hơn.
Nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy khoai lang nhiều tác dụng chăm sóc sức khỏe, các nhà khoa học phát hiện trong khoai lang có protein kết dính, anthocyanin, flavonol và các hoạt chất khác có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, làm đẹp, kéo dài tuổi thọ, hạ lipid máu và cải thiện sức khỏe của cơ thể.
Kiểm soát cân nặng
Đối với những người yêu cái đẹp, kiểm soát cân nặng chính là mục tiêu của họ. Thừa cân thường do chế độ ăn uống không phù hợp, ít vận động. Khoai lang là loại thực phẩm ít calo, ít chất béo, giàu năng lượng, rất lý tưởng để kiểm soát cân nặng.
Ăn khoai lang vào bữa sáng có thể giúp bạn giảm cân đồng thời hỗ trợ đáp ứng năng lượng cho các hoạt động diễn ra trong ngày. Lý do, chất xơ trong khoai lang có thể làm tăng cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn, từ đó kiểm soát lượng thức ăn đưa vào cơ thể.
Tốt cho đường ruột
Trước hết, chất xơ trong khoai lang có thể thúc đẩy nhu động ruột, giúp tiêu hóa thức ăn và giảm bớt gánh nặng cho đường tiêu hóa.
Thứ hai, các vitamin và khoáng chất trong khoai lang có thể bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa và giảm sự xuất hiện của viêm dạ dày, loét dạ dày và các bệnh khác.
Ngoài ra, khoai lang còn chứa hợp chất đặc biệt là axit Chlorogenic, tác dụng chống oxy hóa và có thể làm giảm tác hại của các gốc tự do đối với đường tiêu hóa.