Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC)
Cúm là bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp do virus cúm gây ra nhiễm trùng mũi, họng và phổi. Có hai loại virus cúm chính: type A và B. Virus cúm A và B thường lây lan ở người, là nguyên nhân gây ra dịch cúm theo mùa hàng năm.
Cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, và đôi khi dẫn đến tử vong. Các triệu chứng cúm thường xuất hiện đột ngột.
Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả triệu chứng sau: Sốt, ớn lạnh, ho, viêm họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ hoặc cơ thể, nhức đầu, mệt mỏi. Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù điều này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng tiềm ẩn là tiêm vaccine mỗi năm. Vaccine sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và có thể phải nhập viện hoặc tử vong vì cúm.
Một số yếu tố sức khỏe và tuổi tác được biết là làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng cúm nghiêm trọng của người bệnh, bao gồm:
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên.
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
- Người mắc một số tình trạng sức khỏe mạn tính bao gồm: Hen suyễn, bệnh tim (tim bẩm sinh, suy tim sung huyết, bệnh động mạch vành), đột quỵ, rối loạn nội tiết (tiểu đường), thận mạn tính, rối loạn gan, phổi mạn tính (COPD, xơ nang), rối loạn máu (bệnh hồng cầu hình liềm).
- Những người béo phì với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên.
- Những người dưới 19 tuổi đang dùng thuốc có chứa aspirin hoặc salicylate dài hạn.
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh tật (nhiễm HIV/AIDS, hoặc một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu) hoặc do thuốc (người đang hóa trị hoặc xạ trị ung thư, hoặc người mắc bệnh mạn tính cần dùng corticosteroid hoặc các loại thuốc khác ức chế hệ thống miễn dịch).