Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Căn bệnh này thường kéo theo những tổn thương ở cơ quan khác như mắt, thần kinh và máu.
Điều trị đái tháo đường bằng chế độ ăn uống hằng ngày là phương pháp cơ bản và được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống, kiêng khem và sinh hoạt phù hợp.
Dưới đây là một số món ăn tốt cho việc điều trị bệnh tiểu đường.
Cháo bột sắn dây
Bột sắn dây có tính hàn, tán nhiệt, ít đường, nhiều chất xơ nên rất an toàn cho bệnh nhân tiểu đường. Một số thành phần trong sắn dây có tác dụng cải thiện độ nhạy của insulin trong cơ thể, ngăn chặn tốt biến chứng võng mạc ở bệnh nhân tiểu đường type 2.
Chế biến cháo bột sắn dây
Lấy 50 gram gạo tẻ ngâm nước 1 đêm, vo rửa sạch rồi nấu thành cháo đặc. Khi cháo đã nhuyễn, hòa 30 gram bột sắn dây với nước rồi cho vào cháo.
Ăn cháo bột sắn dây vào buổi sáng vừa tốt cho dạ dày, vừa tốt cho bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp.
Giá đỗ xào
Giá đỗ chứa nhiều vitamin A, C, E và protein, đồng thời chứa thành phần đường đơn giản giúp cơ thể dễ tiêu hóa. Đây được gọi là “thực phẩm của thế hệ mới” do giá đỗ mọc nhanh, nhiều lợi ích cho sức khỏe và ít tốn kém.
Ngoài chức năng là thực phẩm dinh dưỡng, giá còn thường được dùng để chữa viêm thanh quản, mất tiếng, bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường.
Chế biến món giá đỗ xào
500 gram giá đỗ rửa sạch với nước muối pha loãng, để ráo nước rồi xào với thịt nạc băm, dầu oliu hay dầu thực vật, nêm chút muối và gia vị cho vừa miệng.
Nên bổ sung món giá đỗ xào vào bữa ăn hằng ngày cho bệnh nhân đái tháo đường, cơ thể suy nhược, gầy yếu.
Khổ qua xào thịt nạc
Khổ qua (mướp đắng) giàu protein và vitamin C giúp nâng cao hệ miễn dịch và góp phần ngăn ngừa tế bào ung thư. Thực phẩm này còn giúp ổn định huyết áp, giảm mỡ máu và ổn định đường huyết hiệu quả. Do đó, khổ qua được các bác sĩ khuyên dùng cho người bị tiểu đường.
Chế biến khổ qua xào thịt nạc
300 gram khổ qua bào lát mỏng xào với 100 gram thịt nạc heo, nêm một ít gia vị gồm: muối, bột ngọt cho vừa ăn. Nên dùng khổ qua rừng để đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, còn có thể chế biến khổ qua thành các món ăn khác như khổ qua nhồi thịt, luộc chấm mắm, ăn sống,…
Món khổ qua xào thịt nạc chế biến đơn giản, tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Bổ sung món khổ qua xào vào bữa ăn hàng ngày để cân bằng đường huyết, giảm mỡ máu, cải thiện tình trạng bệnh.
Canh trai rau hẹ
Con trai nước ngọt hay trai sông giàu canxi, sắt, một số vitamin như B1, B2, C là thực phẩm rất được ưa chuộng trong bữa ăn gia đình.
Theo Đông y, trai không chỉ là thực phẩm dinh dưỡng mà còn là thuốc chữa một số bệnh như u xơ tiền liệt tuyến, tăng huyết áp, ho khan, mất ngủ,… và đái tháo đường.
Chế biến canh trai rau hẹ
Trai sông luộc cho hở miệng rồi lấy thịt xào nhanh với lửa lớn, nêm một ít gia vị rồi trút ra đĩa, để riêng. Sau đó, nấu một nồi nước sôi, thả thịt trai vào. Khi nước sôi, cho hẹ đã xắt khúc vào, đảo đều. Nêm nếm vừa ăn và nấu sôi lên lại là được.
Canh trai rau hẹ vừa thanh mát, giải nhiệt, vừa là món ăn chữa đái tháo đường hiệu quả.
Ngoài những món ăn trên đây, người bệnh đái tháo đường cần bổ sung vào bữa ăn hàng ngày những thực phẩm như bông cải xanh, bí đỏ, thịt bò, dưa chuột, cà rốt,... Và lưu ý, khi chế biến không nên nêm đường.