Một điều may mắn là gan nhiễm mỡ thường không gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn. Lá gan của chúng ta có khả năng tự hồi phục nên nếu bạn điều trị tốt tiểu đường, mỡ máu cao hay béo phì, bạn hoàn toàn có thể đảo ngược quá trình nhiễm mỡ của gan. Còn nếu không có biện pháp điều trị sớm, gan nhiễm mỡ có khả năng phát triển thành xơ gan, thậm chí nguy cơ ung thư gan sau này sẽ tương đối cao.
Vì vậy, việc phát hiện và điều trị gan nhiễm mỡ là điều cần thiết để phòng bệnh.
Làm thế nào để biết bạn có bị gan nhiễm mỡ?
- Các phát hiện gan nhiễm mỡ dựa vào kết quả khám lâm sàng. Bạn hãy kể rõ với bác sĩ các biểu hiện đang gặp phải như chán ăn, bụng ấm ách, tiền sử uống rượu hay dùng các loại thuốc… khi đi khám.
- Các kết quả xét nghiệm máu cũng là cách hay dùng để đánh giá được sự thay đổi của men gan.
- Hình ảnh của gan nhiễm mỡ trên siêu âm là độ hồi âm của nhu mô gan gia tăng tạo nên hình ảnh đặc trưng gọi là “gan sáng”.
- Ngoài ra, một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm tế bào gan... cũng được dùng để xác định gan nhiễm mỡ.
5 dấu hiệu cảnh báo bạn bị gan nhiễm mỡ
Chán ăn
Gan nhiễm mỡ được chia làm 3 loại: Nhẹ, vừa và nặng. Nếu hàm lượng mỡ dưới 10% gan thì được xếp vào loại gan nhiễm mỡ nhẹ và nhìn chung không khiến người bệnh có cảm giác gì. Tuy nhiên, nếu vượt quá 10%, thậm chí hơn 25% thì thuộc loại gan nhiễm mỡ vừa và nặng, chức năng chuyển hóa của gan sẽ diễn ra bất thường khiến người bệnh chán ăn.
Tiêu hóa chậm
Cứ sau 24 giờ, gan sản xuất khoảng một lít mật, được vận chuyển qua đường mật đến túi mật. Khi thức ăn đi vào cơ thể, túi mật sẽ co bóp và tiết ra dịch mật, giúp tiêu hóa thức ăn.
Khi lượng mỡ tích tụ quá nhiều trong tế bào gan, mật sẽ không thể tiết ra và đào thải ra ngoài một cách bình thường nên ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Khi đó, sau khi ăn, thức ăn sẽ không được tiêu hóa bình thường.
Đau ở sườn phải
Khi mỡ trong tế bào gan tích tụ ngày càng nhiều sẽ khiến dây chằng gan bị kéo căng. Tại vùng gan của người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu như đau nhức, sưng tấy lặp đi lặp lại. Trong trường hợp nghiêm trọng, sẽ có những cơn đau dữ dội đáng kể ở phía trên bên phải gan.
Rối loạn giấc ngủ
Do chức năng gan hoạt động không bình thường khiến cho các chức năng chuyển hóa, giải độc, tiêu hóa trong cơ thể người bệnh bị ảnh hưởng, điều này sẽ gây ra một số khó chịu về cơ thể khi ngủ, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy, một số bệnh nhân gan nhiễm mỡ sẽ khó đi vào giấc ngủ, thời gian ngủ bị rút ngắn lại.
Vàng da và nước tiểu
Một khi phát triển thành gan nhiễm mỡ trung bình hoặc nặng, transaminase sẽ tăng lên, cấu trúc và chức năng bình thường của gan sẽ bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định. Do đó, chức năng bài tiết bilirubin của tế bào gan bị suy giảm sẽ khiến người bệnh bị vàng da, nước tiểu vàng.
Các phòng bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ có thể phòng ngừa được bằng một lối sống sinh hoạt lành mạnh. Bạn nên:
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc, hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Uống rượu bia điều độ.
- Cần thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc, thảo dược không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng thuốc, nên uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Quản lý tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
- Tiêm phòng vaccine, đặc biệt là vaccine viêm gan A và viêm gan B. Viêm gan C chưa có vaccine vì vậy bạn nên có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và làm xét nghiệm kiểm tra định kỳ.