Có thân hình cao lớn, thường xuyên chơi thể thao nên Tiểu Vương (ngoài 20 tuổi, sống tại Chiết Giang, Trung Quốc) rất chủ quan với sức khỏe của mình.
Buổi tối hôm xảy ra sự việc, sau khi kết thúc công việc làm thêm, anh trở về nhà vội vàng tắm gội rồi đi tụ tập bạn bè. Lúc chơi cùng bạn bè ở ngoài trời, anh đột nhiên cảm thấy hơi ngứa ran sau tai trái và hơi cứng ở bên trái mặt. Nhưng chỉ đơn giản nghĩ là do trời lạnh nên không để ý nhiều.
Ảnh minh họa
Sáng ngủ dậy, thấy mặt mình có gì khác lạ, anh soi gương thì giật mình phát hiện miệng và mắt méo xệch sang bên trái, không khép kín lại được, mắt trái chảy nước mắt liên tục, giọng nói thay đổi... Lúc này, lo lắng mình bị đột quỵ nên anh vội vã cùng bạn đến viện khám.
Sau thăm khám, bác sĩ cho biết anh bị viêm dây thần kinh mặt, gọi tắt là liệt mặt.
Điều tra bệnh sử, bác sĩ chỉ ra rằng chính thói quen gội đầu vào tối muộn và để tóc ướt đi ra ngoài, khi tiếp xúc với gió lạnh ngoài trời làm các dây thần kinh sau tai bị co lại dẫn đến mạch máu tắc nghẽn không cung cấp đủ cho các dây thần kinh mặt. Từ đó, cơ vùng mặt và tai bị phù nề, gây tắc nghẽn dẫn truyền các xung động thần kinh, làm liệt vận động của một bên mặt.
Liệt mặt là gì?
Liệt mặt là tình trạng khi dây thần kinh mặt (còn gọi là dây thần số 7) bị tổn thương. Khi liệt mặt xảy ra, cơ mặt của bạn sẽ bị yếu, xệ xuống và mất khả năng cử động một bên hoặc cả hai bên trên khuôn mặt của bạn.
Liệt mặt được chia thành hai loại gồm liệt mặt ngoại biên và liệt mặt trung ương. Có nhiều nguyên nhân gây ra liệt mặt, tuy nhiên phần lớn bệnh liệt mặt là vô căn.
Liệt mặt nếu không được điều trị đúng cơ mặt có thể bị tổn thương và mất đi chức năng vận động. Ảnh minh họa
Dấu hiệu phát hiện bệnh liệt mặt?
Thường sau một đêm ngủ, người bệnh thức dậy, cảm thấy một bên mặt hơi cứng khác thường. Nếu soi gương bệnh nhân sẽ thấy một bên mặt bị xệ xuống và miệng bị méo sang một bên. Một bên mắt cũng không thể nhắm kín và thường có nước mắt chảy ra.
Với các triệu chứng đó, người ta thường nghĩ đến một tai biến mạch máu não. Song bình tĩnh lại, nếu bạn thấy các triệu chứng chỉ giới hạn ở mặt, thì phần nhiều đây là bệnh liệt dây thần kinh mặt.
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh xảy ra ban ngày, bệnh nhân đột ngột bị tê liệt hay yếu hẳn một bên mặt khiến khó cười khó nói, khó nhắm mắt, khó cử động da mặt bên bị bệnh; bị đau trong tai phía bên bệnh; nghe âm thanh to hơn phía tai bệnh; nhức đầu; mất vị giác; lượng nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn bình thường. Bệnh sẽ giảm trong vòng vài tuần và khỏi hoàn toàn trong vòng từ 3- 6 tháng.
Trong đó khoảng 8 – 10 % bị tái phát, đôi khi ở phía mặt bên lành trước đây. Một số ít bệnh nhân bị vài triệu chứng bệnh suốt đời.
Bệnh liệt thần kinh mặt nhẹ sẽ khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh nặng các dây thần kinh có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Cần làm gì để phòng bệnh liệt mặt?
Việc phòng bệnh cần phối hợp nhiều biện pháp tránh bị nhiễm lạnh, nhất là khi ngủ ban đêm. Phòng chống nhiễm vi khuẩn bằng cách nâng cao sức đề kháng của cơ thể: tập thể dục thường xuyên điều độ; ăn uống đủ chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp.
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường hoặc đến những nơi công cộng như bến tàu xe, siêu thị, chợ… để tránh bị lây nhiễm các bệnh do vi khuẩn gây ra. Không lạm dụng thuốc corticosteroid trong điều trị các bệnh cơ xương khớp.