Cẩn trọng khi dùng thuốc diệt côn trùng cho trẻ nhỏ
Nhớ lại chuyện xảy ra gần 1 năm về trước suýt cướp đi cô con gái đầu lòng, chị N.T.V (ở Quế Võ, Bắc Ninh) vẫn chưa hết cảm giác tự dằn vặt mình. Bởi chính sự chủ quan, thiếu hiểu biết của chị đã khiến cô con gái gần 8 tháng tuổi phải chịu đau đớn hành hạ do biến chứng từ vết đốt của côn trùng. Theo lời chị V, buổi sáng hôm đó, sau khi ngủ dậy, thấy vùng da trên cổ con bị ửng đỏ, chị liền lấy nước bọt của mình để day vào, sau đó dùng thuốc mỡ tra mắt để bôi vào vết thương cho con. Tối đến, thấy cổ con không đỡ, lại xuất hiện thêm các nốt nước nhỏ li ti, vùng da xung quanh bị phồng rộp, chị bèn lấy vôi tôi “đắp” vào cổ bé với hi vọng có thể “làm dịu” được vết thương. Tuy nhiên, vết phồng rộp ngày càng lan rộng và có dấu hiệu bị loét. Thay vì hỏi ý kiến bác sĩ, chị V lại “đánh liều” dùng thuốc trị ngứa ngoài da bôi vào cổ bé. Nào ngờ, đêm đó, bé kêu khóc và liên tục dùng tay cào vào chỗ đau khiến toàn bộ phần da ở vết thương bị trầy xước, chảy máu. Lúc ấy, vợ chồng chị V mới tá hỏa đưa con đi bệnh viện ngay trong đêm.
“Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết, bé nhà tôi bị kiến ba khoang đốt. Vết đốt bị nhiễm trùng do tôi đắp “vô tội vạ” các loại thuốc vào vết thương của bé. Hơn nữa, bé cũng có dấu hiệu bị dị ứng với thuốc ngứa. Cũng may được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, không thì có lẽ tôi sẽ phải ân hận cả đời vì sự chủ quan và thiếu hiểu biết của mình”, chị V tâm sự.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó Trưởng khoa Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Nhi Trung ương), trẻ nhỏ là đối tượng rất nhạy cảm, dễ bị các loại côn trùng tấn công. Khi trẻ bị côn trùng đốt nếu chỉ sưng, ngứa, không có mủ thì không đáng ngại. Còn nếu vết đốt gây hậu quả như sốt cao, sưng phù, tái đi tái lại, trẻ gãi liên tục gây mủ thì bắt buộc phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cũng lưu ý, bố mẹ không nên lạm dụng các phương pháp dân gian để trị côn trùng đốt vì chưa có bằng chứng khoa học nào để chứng minh có thể áp dụng.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, ngay cả việc sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng, nhất là sử dụng trên đối tượng là trẻ em, cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Bởi lẽ, bản chất của thuốc phòng chống côn trùng đều có thành phần chủ yếu là Deet (tên hoá học là Diethyl toluamide) có tác dụng gây ức chế các dẫn chất Acetylcholine khiến cho côn trùng không hoạt động được và khi nó ức chế côn trùng như thế thì bản thân đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nếu nồng độ cao, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Hơn nữa, nếu bố mẹ dùng thuốc chống côn trùng dạng xịt ở những vùng đầu, mặt, cổ thì trẻ có thể bị ảnh hưởng khi hít vào nếu nồng độ cao. Do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cảnh báo, phải kiểm tra trước khi sử dụng thuốc và dùng thuốc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên lạm dụng thuốc nhất là khi trẻ đang có vết thương hở hoặc trầy xước.
Cách phòng tránh đúng cách
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, hàng năm vào dịp hè, nhất là từ tháng 5 đến tháng 9, thời tiết nóng bức, kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại côn trùng sinh sôi, phát triển. Các loại côn trùng thường cắn, đốt và gây bệnh cho người là: Rết, bọ cạp, ruồi, muỗi, ong, kiến, bọ chét, rệp... Nhiều trong số đó là những vật trung gian truyền nhiều loại bệnh dịch như sốt rét, sốt xuất huyết.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, đa phần mọi người khi bị côn trùng cắn hoặc đốt chỉ gặp phản ứng nhẹ như đau, ngứa, tấy đỏ, sưng tại chỗ và có thể tự khỏi trong vòng một vài ngày. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với nọc độc của côn trùng, đặc biệt là trẻ nhỏ thì có thể bị dị ứng, dẫn đến phù nề, phát ban toàn thân. Tại vết cắn/đốt nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể gây nhiễm trùng. Những trường hợp này nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tổn thương gan…
BS Nguyễn Trung Cấp cho biết thêm, khi côn trùng bò lên da, nên dùng tay hất xuống đất, hạn chế đập chết côn trùng trên da. Khi bị côn trùng đốt/cắn, nếu người bệnh càng gãi, vết ngứa sẽ càng lan rộng và gây trầy xước, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Điều này hay xảy ra đối với trẻ nhỏ. Do đó, trong trường hợp trẻ bị côn trùng đốt, bố mẹ nên sát trùng ngay bằng xà phòng, hoặc có thể dùng nước muối sinh lý để rửa sạch vết đốt cho con. Với những vết đốt gây các biểu hiện như viêm, nhiễm trùng thì trẻ cần sự hỗ trợ của bác sĩ với các kem bôi có phối hợp kháng sinh, Corticoid để làm giảm viêm và các thuốc bôi đặc trị giúp giảm triệu chứng nhanh.
Để phòng tránh bị côn trùng đốt, các chuyên gia khuyến cáo, cần giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thông thoáng. Tránh tình trạng các ổ nước ứ đọng sẽ là nơi ẩn náu của ấu trùng côn trùng gây hại. Ở những nơi nhiều cây cỏ, bụi rậm, có thể thực hiện một số biện pháp như dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nơi ở, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng, phun xịt thuốc diệt côn trùng những nơi um tùm rậm rạp cạnh khu dân cư. Với những gia đình có vật nuôi như chó, mèo, cần giữ cho vật nuôi sạch sẽ để hạn chế bọ chét từ vật nuôi gây hại cho trẻ nhỏ trong nhà. Bên cạnh đó, có thể lắp lưới chống côn trùng ở cửa sổ và cửa ra vào, kiểm tra quần áo của trẻ trước khi mặc và giường chiếu trước khi cho trẻ nằm. Khi cho con ra ngoài, nên mặc quần áo dài tay để hạn chế bị côn trùng đốt, cắn.