Thời tiết chuyển mùa là thời điểm các bé dễ mắc các bệnh đường hô hấp như sổ mũi, nghẹt mũi. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến trình trạng này như dị ứng, ngạt mũi sơ sinh, cảm lạnh,...
Nhiều mẹ cứ thấy con ho, nghẹt, chảy nước mũi sẽ tìm đến các loại thuốc kháng sinh. Nếu bệnh do virus gây ra thì việc dùng thuốc là vô hiệu. Các bác sĩ nhi và chuyên gia y khoa cũng cảnh báo thuốc chữa sổ mũi cũng có nhiều tác dụng phụ đối với trẻ em. Sau một năm sinh con, Phạm Kiều Trang (Hà Nội) đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trị sổ mũi cho trẻ không cần dùng thuốc.
Dùng nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi
Dụng cụ hút mũi đặc biệt hiệu quả đối với trẻ nhỏ chưa biết xì mũi. Nước muối sinh lý rất an toàn, mẹ nên làm ấm nước muối, xịt vào mũi trẻ giúp giảm dịch nhầy. Sau đó, mẹ tiếp tục dùng dụng cụ để hút sạch nước mũi.
Cách làm: Đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp hơn chân, nhẹ nhàng bóp 1-2 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi trẻ. Sau vài phút, dùng dụng cụ hút chất nhầy ở từng bên mũi cho trẻ.
Dụng cụ hút mũi đặc biệt hiệu quả đối với trẻ nhỏ chưa biết xì mũi. Ảnh: Tuttogreen
Cho bé uống nhiều nước
Phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, sữa, nước trái cây, soup hoặc thức ăn dạng lỏng để dịch mũi lỏng hơn và dễ làm sạch. Mẹ cần tránh ăn đồ ăn có nhiều dầu mỡ và chất béo.
Tắm nước gừng ấm
Hơi nước gừng ấm giúp làm lỏng dịch mũi, bé sẽ dễ xì ra hoặc mẹ cũng dễ làm sạch bằng dụng cụ hút mũi hơn. Mẹ cũng nên xoa chút dầu tràm hoặc dầu khuynh diệp vào lòng bàn chân bé, massage vài phút, xoa dầu vào lưng và ngực. Ngoài ra, trước khi đi ngủ bé cũng cần được mang tất.
Nằm cao đầu khi ngủ
Tư thế ngủ cao đầu giúp ngăn nước mũi chảy ngược vào trong gây ngạt mũi, thay vào đó nước mũi sẽ chảy ra ngoài giúp bé dễ chịu hơn.
Thông thường, trẻ không cần gặp bác sĩ khi bị sổ mũi. Tuy nhiên, một số trường hợp mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ như:
- Trẻ sổ mũi kèm sốt cao trên 2 ngày
- Có những triệu chứng cúm kèm theo đau ê ẩm người, nôn ói,...
- Nghi ngờ dị vật lọt vào mũi
- Có triệu chứng sổ mũi do dị ứng