Dâu tây là một trong những trái cây rất tốt cho sức khỏe và có giá trị cao. Nhưng trong những năm gần đây, trên thị trường tràn ngập dâu tây Trung Quốc nhưng được gắn mác dâu Đà Lạt khiến người trồng dâu gặp khó khăn, người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe. Vì trong dâu tây Trung Quốc có tẩm ướp hóa chất độc hại nhằm để bảo quản được lâu, căng mọng thu hút người mua.
Nhiều bà nội trợ vì ham giá rẻ hoặc không biết cách nhận biết dâu tây Trung Quốc nên đã mua phải những quả dâu kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và cả gia đình.
Sau đây là một số đặc điểm giúp người tiêu dùng phân biệt dâu tây Đà Lạt và Trung Quốc để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Các nhận biết dâu tây Trung Quốc và Đà Lạt
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã lấy mẫu dâu tây Trung Quốc và dâu tây Đà Lạt để so sánh, kết quả cho thấy có sự khác biệt rất rõ ràng giữa 2 loại. Dưới đây những đặc điểm để người tiêu dùng nhận biết đâu là dâu tây Trung Quốc và Đà Lạt.
- Kích thước: Dâu Đà Lạt quả không quá to, trong khi dâu "nhái" thường to một cách bất thường.
- Hình dáng: Những trái dâu Trung Quốc có hình dáng khá đồng đều và đẹp mắt. Ngược lại dâu chính gốc có trái to, trái nhỏ với nhiều hình dáng khác nhau, không đồng đều.
- Màu sắc: Dâu giả danh thường có màu đỏ thẫm. Phần lá phủ trên trái dâu khá dài, có thể tới 1/3 chiều dài của quả, màu xanh đậm và khá mướt. Trong khi dâu Đà Lạt quả có màu hồng đỏ, hơi trắng ở phần đầu cuống. Phần lá phủ trên cuống ngắn, mỏng và có màu xanh lá.
Màu sắc của dâu Đà Lạt thường không bắt mắt bằng dâu Trung Quốc - Ảnh: Internet
- Mùi vị: Dâu tây Đà Lạt ăn mềm dai, vị chua thanh và có mùi thơm đặc trưng của trái dâu tây. Những trái dâu Trung Quốc ăn vào có cảm giác bở rõ rệt, không có vị ngọt, chua thanh và đặc biệt hương vị đặc trưng của dâu rất nhẹ.
- Độ cứng: Xét về độ cứng của quả, dâu tây Đà Lạt thường mềm hơn, vỏ không nhẵn và mịn. Ngược lại, dâu tây Trung Quốc quả có độ cứng nhất định, vỏ bên ngoài mịn hơn so với dâu tây Đà Lạt.
- Thịt quả: Những trái dâu Đà Lạt có phần thịt quả màu đỏ nhạt xen lẫn màu trắng còn dâu tây Trung Quốc có màu đỏ đậm hơn, phần màu trắng bên trong rất ít.
- Thời gian bảo quản: Đặc điểm này dễ phân biệt nhất; bởi lẽ dâu Đà Lạt gốc thường không sử dụng thuốc bảo quản, vì thế không thể để được lâu, chỉ dùng trong 2 - 3 ngày ở nhiệt độ 15 độ C, còn trong điều kiện tiết trời nắng hanh thì một ngày dâu đã héo cuống và bị thâm. Trong khi đó, dâu Trung Quốc để ở điều kiện bình thường (25 - 32 độ) thì 7 - 10 ngày vẫn còn tươi.
Hy vọng với những đặc điểm nói trên sẽ giúp các bà nội trợ nhận biết được đâu là dâu tây Đà Lạt chính gốc để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.