Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ trên báo Người Đưa Tin, bữa sáng cung cấp 20 - 25% nhu cầu về dinh dưỡng và năng lượng hàng ngày cho cơ thể. Từ đó, giúp cơ thể linh hoạt hơn, trí não hoạt động tốt hơn, bảo vệ được hệ tiêu hóa.
Bữa sáng là bữa ăn đầu tiên và cũng quan trọng nhất trong ngày. Đồ ăn cho bữa sáng của người Việt cực kỳ phong phú, đa dạng, có thể nói là hiếm có nền văn hóa ẩm thực nào sánh bằng. Mọi người có thể lựa chọn từ món khô cho đến món nước, món mặn hay món ngọt; phổ biến nhất có thể kể đến là xôi, bún, phở hay bánh mỳ. Cùng vì có quá nhiều lựa chọn nên câu hỏi sáng ăn xôi hay bún, phở... là tốt nhất được đặt ra.
Sáng ăn xôi hay bún, phở là tốt nhất?
Xét về thú vui ẩm thực, ăn món nào tốt nhất tùy thuộc vào khẩu vị và cả điều kiện của từng người. Ăn thứ gì, ăn ra sao, ăn thế nào là đủ..., bạn có thể tùy theo sở thích, thời gian và cả túi tiền để lựa chọn.
Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi sáng ăn xôi hay bún, phở là tốt nhất đối với sức khỏe, chúng ta cần xét trên khía cạnh dinh dưỡng để đánh giá ưu điểm và khuyết điểm của từng món.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) phân tích, hiện nay mọi người thường lựa chọn bữa sáng nhanh gọn và đơn giản như ra quán ăn một bát bún hoặc phở, hay chiếc bánh mỳ hoặc gói xôi. Với bữa sáng như vậy, nếu chỉ thi thoảng ăn để đổi bữa thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, xét về mặt khoa học và dinh dưỡng, một bữa cơm gia đình bình thường với các món đơn giản như cơm trắng, thịt (hoặc cá, trứng) và rau (hấp, luộc hoặc xào) là tốt nhất.
Với bữa cơm như trên, cơ thể sẽ nhận đủ và cân đối các chất dinh dưỡng như tinh bột, chất đạm, chất béo,chất xơ+vitamin và khoáng chất. Trong khi đó, một gói xôi dù thêm trứng thịt thì vẫn thiếu rau, hay bánh mì và bún phở cũng vậy. Chưa kể, với bún-phở lượng chất béo có trong các loại thịt và nước dùng khá nhiều.
Hơn nữa, ăn bữa cơm bình thường sẽ an toàn về mặt thực phẩm hơn, vì đó là các món tự mình lựa chọn thực phẩm và chế biến. Trong khi các món ăn trên đa số ăn ở hàng quán, không biết về nguồn gốc thực phẩm.
Ăn sáng thế nào cho đúng cách?
Để cơ thể khỏe mạnh, bạn nhất định phải có một bữa sáng hoàn hảo. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một bữa sáng chuẩn phải cung cấp đủ protein, vitamin và khoáng chất, nghĩa là chúng ta vẫn phải ăn đủ bốn nhóm thực phẩm: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Thời gian ăn sáng không nên quá sớm cũng không nên quá muộn, tốt nhất trong khoảng 7-8h. Bữa ăn sáng nên cách thời gian thức dậy khoảng 30 phút. Trước khi ăn, nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể.
Theo TS.BS Từ Ngữ (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết, các nghiên cứu đều khuyến cáo, mọi người nên đi ngủ trước 10h tối, ngủ đủ 8 tiếng và thức dậy vào khoảng 6h sáng. Ngoài ra, theo lịch làm việc của đa số cơ quan đều bắt đầu từ lúc 8h sáng, như vậy khung giờ ăn sáng lý tưởng nhất để vừa phù hợp đồng hồ sinh học, vừa đảm bảo công việc là 6-8 giờ sáng.
Việc ăn quá sớm khi cơ thể mới thức dậy sẽ khiến ăn không ngon miệng, từ đó sinh ra tâm lý chán ăn sáng. Ngược lại, ăn quá muộn vừa ảnh hưởng công việc, lại khiến hai bữa sáng và trưa quá sát nhau sẽ không tốt cho tiêu hóa và sức khỏe.