Theo thống kê, chỉ có khoảng 3 đến 5% phụ nữ mang thai sinh nở không đúng thời gian dự kiến, còn lại hầu hết các trường hợp đều sinh sớm hay muộn hơn ngày dự sinh trong vòng 2 tuần. Do đó, theo nhiều chuyên gia, việc thai 40 tuần chưa chuyển dạ hoặc sinh sớm hơn (từ tuần 37 đến tuần 38) là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra quá lâu (quá 41 tuần) thì sẽ khiến nhau thai già đi, đe dọa đến sức khỏe cũng như sự an toàn tính mạng của trẻ.
Theo đó, những tác động trên ảnh hưởng không ít đến nhịp tim thai, gây ra tai hại cho trẻ sau khi sinh như tổn thương thần kinh, thiểu năng hệ thần kinh vận động. Ngoài ra, so với trẻ sinh đủ ngày, trẻ quá ngày còn có nguy cơ cao mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng, sốt cao, nghiêm trọng hơn là tử vong. Không chỉ vậy, nếu không được phát hiện kịp thời, thai quá ngày có thể chết lưu, tử vong trong lúc mẹ chuyển dạ, vì lúc này lượng nước ối giảm dần, dây rốn bị chèn ép mỗi khi cơn gò tử cung xuất hiện gây suy thai.
Nguyên nhân thai 40 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai 40 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Trong đó, hầu hết đến từ việc mẹ bầu cung cấp sai thông tin ngày bắt đầu chu kỳ kinh cuối nên bác sĩ dự đoán sai ngày dự sinh.
Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng có thể do mẹ đi khám thai quá muộn. Cụ thể, do mẹ bầu khám thai lần đầu khi đã qua giai đoạn 3 tháng đầu thì bác sĩ sẽ rất khó xác định chính xác ngày dự sinh bởi lúc này thai nhi đang phát triển rất nhanh, có thể vượt mức tiêu chuẩn trong từng tuần thai.
Ngoài ra, mỗi thai nhi sẽ có một mức độ phát triển khác nhau nên việc chào đời của bé cũng không thể giống nhau hoàn toàn so với bảng tiêu chuẩn.
Mẹ nên làm gì khi thai 40 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ?
Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần đi khám thường xuyên theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, khi đến ngày dự sinh mà vẫn chưa thấy xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra tổng quát về tình hình thai nhi, độ xơ hóa nhau thai, chức năng dây rốn, màng ối,... Theo đó, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng và có thể tiến hành phương pháp giục sinh hoặc mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Cụ thể, tùy vào tình trạng của mẹ mà bác sĩ sẽ cho mẹ giục sinh bằng cách kích thích các cơn co tử cung xuất hiện. Sau 24 – 48 giờ, nếu ổn định, mẹ hoàn toàn có thể sinh thường. Còn nếu không, mẹ bầu bắt buộc phải sinh mổ. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể áp dụng một số phương pháp kích thích chuyển dạ sau đây:
Ăn cay
Đồ ăn cay nóng có thể hỗ trợ quá trình chuyển dạ nhanh chóng, tuy nhiên không nên ăn cay quá sẽ không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu.
Ăn dứa
Trong dứa có chứa enzyme Bromelain có tác dụng kích thích và làm mềm tử cung. Tuy nhiên, mẹ bầu phải sử dụng một lượng dứa khá nhiều mới đủ đển nhận thấu tác dụng của nó trong việc thúc đẩy con chào đời. Lưu ý, mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất về việc sử dụng dứa để kích thích cơn chuyển dạ.
Kích thích vùng ngực
Mẹ bầu có thể dùng lòng bàn tay xoa tròn lên núm vú và cả quầng vú để kích thích sản sinh Oxytocin. Điều này sẽ giúp thúc đẩy quá trình ra đời sớm hơn của thai nhi. Tuy nhiên, phương pháp này cũng cần sự kiên nhẫn khá cáo khi mẹ bầu phải xoa khoảng 3 lần một ngày, mỗi lần trong khoảng 1 giờ thì việc kích thích mới có hiệu quả.
Quan hệ vợ chồng
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ khuyên mẹ bầu hạn chế quan hệ vợ chồng vì điều này sẽ thức đẩy thai nhi ra đời sớm hơn. Bởi, trong tinh trùng có một số chất có tác dụng làm mềm tử cung và Oxytocin (một loại hormon sinh ra khi bạn "lên đỉnh") có tác dụng làm tăng các cơn co và qua đó "hối thúc" bé ra đời. Thế nhưng, mẹ bầu cần lưu ý tránh quan hệ khi đã vỡ ối bởi việc này rất nguy hiểm vì nó có thể gây nhiễm trùng ối.
Đi bộ
Khi chuẩn bị đến ngày dự sinh, thậm chí ở tuần 40, mẹ bầu nên chăm chỉ đi bộ hơn bởi lực hấp dẫn sẽ giúp đẩy em bé xuống dưới gần tử cung của người mẹ hơn. Lưu ý, khi cảm thấy mệt thì mẹ bầu không nên cố gắng mà nên đi thong thả và chia thành nhiều quãng đường nhỏ, vì đây là thời điểm cần giữ sức để chuẩn bị cho ca sinh nở vất vả sắp tới.