Sốt có thể phát sinh khi hệ thống phòng thủ của cơ thể chống lại nhiễm trùng, nhưng chúng cũng có thể do những nguyên nhân khác gây ra, bao gồm các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Cơ thể thay đổi thế nào khi bị sốt?
Theo Live Science, nhiệt độ cơ thể con người thường được duy trì ở mức khoảng 37 độ C để tạo môi trường hoàn hảo cho các tế bào hoạt động hiệu quả. Một phần của bộ não được gọi là vùng dưới đồi hoạt động giống bộ điều nhiệt, liên tục theo dõi thân nhiệt và điều chỉnh các nút bên trong để đưa nhiệt độ trở lại khoảng 37 độ C.
Tiến sĩ Paul O'Rourke, trợ lý Giáo sư y khoa tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết trong quá trình nhiễm trùng, khi các tế bào miễn dịch phát hiện kẻ xâm lược bên ngoài như vi khuẩn hoặc virus, chúng sẽ giải phóng hóa chất gây sốt gọi là pyrogens. Những hóa chất này di chuyển đến não, tác động lên các tế bào thần kinh nhạy cảm với nhiệt độ ở vùng dưới đồi, báo cho não biết đã đến lúc phải tăng nhiệt độ trong cơ thể.
Kết quả là các tế bào thần kinh này giải phóng những chất giống hormone gọi là prostaglandin - cụ thể là PGE2 - để vặn nút điều chỉnh thân nhiệt và gây sốt. Tiến sĩ O'Rourke cho biết: "Chúng tôi thường coi là sốt khi nhiệt độ cơ thể bạn đạt tới trên 38 độ C".
Vùng dưới đồi có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể theo nhiều cách. Ví dụ, nó làm cho các mạch máu co lại, làm giảm lượng nhiệt tiêu tán qua bề mặt da. Nó cũng gây ra sự run rẩy để tạo ra nhiều nhiệt nhất có thể.
Các quá trình sinh lý này cùng nhau tạo thành một phần của tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại nhiễm trùng, được gọi là viêm cấp tính. Mục đích chính là kiểm soát nhiễm trùng và ngăn chặn nó lây lan.
Mọi người cũng có thể bị ớn lạnh kèm theo sốt, mặc dù thân nhiệt đang tăng lên. Điều này là do vùng dưới đồi đã tạm thời tăng bộ điều nhiệt bên trong cơ thể lên mức "bình thường" cao hơn. Khi cơ thể bạn cố gắng đạt đến mức cơ bản mới này, bạn sẽ cảm thấy tương đối lạnh.
Tại sao cơ thể lại cần nhiệt?
Theo tiến sĩ O'Rourke, lý do có thể là để khiến vi khuẩn hoặc virus khó nhân lên và lây nhiễm vào tế bào của chúng ta hơn.
"Nhiệt độ cơ thể cao hơn cũng có thể biến hệ thống miễn dịch thành một 'cỗ máy chiến đấu' tốt hơn. Ví dụ, khi thân nhiệt tăng lên, các tế bào sẽ tạo ra protein sốc nhiệt (HSP), kích hoạt hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng", chuyên gia này nói.
Tiến sĩ Kitty O'Hare, một cộng tác viên tư vấn tại khoa Y thuộc Đại học Duke (Mỹ), cho hay đối với một đứa trẻ lớn hơn hoặc người lớn, trung bình họ có thể bị sốt ở mức độ nào đó trong vài ngày, thường là 2 hoặc 3 ngày mà không nhất thiết phải chăm sóc y tế nhiều.
Nhưng nếu lo lắng về các triệu chứng hoặc chúng không cải thiện, bạn nên liên hệ với bác sĩ. Chẳng hạn, đôi khi trẻ bị sốt cao, chúng có thể co giật. Mặc dù những điều này có thể đáng sợ, chúng thường chỉ kéo dài vài phút và thường vô hại.
"Tuy nhiên, cha mẹ nên gọi bác sĩ chăm sóc bất cứ khi nào con họ bị co giật, ngay cả khi đang bị sốt", tiến sĩ O'Hare nói.