Theo Momjunction, trai là thực phẩm an toàn cho sức khỏe mẹ bầu. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý trong cách chế biến để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn cần nấu trai cho đến khi vỏ chúng mở ra, đó là dấu hiệu cho thấy trai đã chín kĩ. Trong một số trường hợp, trai không thể tách vỏ sau khi nấu thì đó là tín hiệu trai đã chết và không an toàn để chế biến.
Vỏ trai có chứa nhiều vi-rút, vi khuẩn khác nhau vì trai sử dụng vỏ để lọc thức ăn. Do đó, mẹ bầu cần tránh ăn những món còn nguyên vỏ trai để tránh nhiễm vi khuẩn vibrio vulnificus, loại vi khuẩn có dạng hình que có nhiều trong vỏ trai. Nếu mẹ bầu ăn phải sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm và các vấn đề sức khỏe khác. Tốt nhất mẹ nên loại bỏ vỏ trai trước khi chế biến để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Lợi ích sức khỏe của trai với mẹ bầu
Thịt trai chứa nhiều protein, sắt, canxi, magiê và axit béo omega-3 rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu. Trong 100g thịt trai có chứa đến 20% lượng sắt cần thiết cho cơ thể từ đó ngừa thiếu máu hiệu quả cho thai phụ. Ngoài ra, canxi và magiê góp phần củng cố xương cho mẹ bầu, cung cấp năng lượng cho hoạt động trao đổi chất ở tế bào, giảm căng thẳng, mệt mỏi, chống suy nhược hiệu quả.
Hàm lượng omega-3 có trong trai còn giúp mẹ ngăn ngừa chứng tiền sản giật, nguy cơ sinh non, nhẹ cân và hỗ trợ phát triển não bộ, thần kinh cho thai nhi.
Theo Đông y, trai vị ngọt đậm, tính hàn, có công năng bổ âm, thanh nhiệt, giải độc; thường dùng cho trẻ em hay ra mồ hôi trộm, chậm lớn, phụ nữ có thai, cho con bú, băng huyết, khí hư và chữa mắt bị sưng đỏ do nhiệt, nhặm mắt.
Cách nấu món cháo trai bổ dưỡng dành cho bà bầu
Nguyên liệu:
Trai 500g
Gạo tẻ 150g
Hành tươi, rau răm, gừng
Gia vị muối, dầu ăn, hạt nêm
Chọn trai và sơ chế
Để món ăn thêm thơm ngon, bổ dưỡng thì mẹ bầu cần chọn trai tươi. Một trong những cách để mẹ có thể dễ dàng kiểm tra đó là dùng đầu ngón tay chạm vào vỏ trai, nếu nó còn sống thì vỏ sẽ từ từ khép lại và nếu trai còn tươi ngon thì sẽ không có mùi quá tanh nồng. Mẹ không nên chọn những con có vỏ đã bị nứt, vỡ, dập nát vì vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào trong.
Để làm sạch trai, khi mua về mẹ nên ngâm trong nước từ 4 -5 tiếng trước khi nấu để loại bỏ bớt đất bẩn. Trong thời gian ngâm, mẹ có thể thay nước ngâm 1-2 lần.
Các bước tiến hành nấu cháo trai cho bà bầu
Bước 1
Sau khi ngâm trai trong nước sạch, bạn tiếp tục đem trai đi cọ sạch vỏ để loại bỏ hết đất, cát bẩn bên ngoài. Gạo tẻ vo sạch rồi ngâm nước để khi nấu gạo mềm, dễ bung hơn.
Tiếp đến, cho trai vào nồi luộc chín. Mẹ lưu ý khi nước sôi nhớ vớt sạch bọt để nước được trong vì sẽ sử dụng nước luộc trai để làm nước ninh cháo.
Khi nước sôi thì nhớ hạ lửa nhỏ rồi đun tiếp vài phút để trai há miệng ra hết thì tắt bếp. Vớt trai ra rổ, để ráo và tách phần thịt, bỏ vỏ.
Bước 2
Cho gạo tẻ vào nồi nước luộc trai đã lắng sạch cặn và đặt lên bếp. Khi cháo sôi, mẹ nhớ đảo qua để gạo chín nhừ nhừ đồng thời để tránh cháo bị cháy. Sau đó, hạ lửa nhỏ và đậy nắp lại.
Bước 3
Phần thịt trai sau khi loại bỏ hết phân, rửa lại lần nữa với muối rồi thái nhỏ thịt trai. Hành, rau răm, gừng rửa sạch rồi thái nhỏ.
Bắc chảo lên bếp, đun nóng cùng chút dầu thì cho hành khô vào phi thơm. Tiếp đến, trút phần thịt trai vào xào cùng chút nước mắm cho ngấm đều gia vị thì cho vào nồi cháo đang sôi. Mẹ bầu nêm gia vị cho vừa ăn thì tắt bếp.
Bước 4
Múc cháo ra bát, thêm chút hành tươi, rau răm vào trộn đều rồi thưởng thức khi còn ấm. Vậy là mẹ bầu đã có thể hoàn thành món cháo thịt trai bổ dưỡng .
Ngoài ra, mẹ bầu có thể thêm vào tô cháo một ít gừng tươi cắt lắt mỏng hoặc thái sợi để giảm các triệu chứng ốm nghén, cảm lạnh hiệu quả.