Mụn trứng cá và mụn thịt (milia) là hai dạng mụn thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, mụn có thể xuất hiện ngay khi trẻ vừa sinh ra hoặc vài tuần sau đó.
Các loại mụn thường gặp ở trẻ sơ sinh
Mụn trứng cá
Mụn trứng cá hay còn gọi nang kê, hoặc mụn sữa là hiện tượng xảy ra khá phổ biến. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), có tới 20% số bé sinh ra bị mụn trứng cá. Hiện tượng mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố diễn ra ở thời điểm cuối của thai kỳ của mẹ. Yếu tố gây ra mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh gây ra bởi các kích thích tố của mẹ còn sót trong cơ thể trẻ, tác động lên các tuyến bã nhờn và gây tắc.
Mụn có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ sinh ra hoặc vài tuần sau khi sinh. Trẻ sẽ bị nổi những nốt nhỏ, thường có màu đỏ hoặc trắng ở má, mũi và trán. Mụn ở trẻ sơ sinh không phải là một vấn đề nguy hiểm, thường sẽ biến mất sau một vài tuần hoặc vài tháng mà không cần điều trị, vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng cho con.
Mụn thịt (mụn milia)
Mụn thịt là những nốt nhỏ li ti khoảng 1-3 mm, có màu hơi vàng ở trên cằm, mũi của trẻ. Mụn sữa thường xuất hiện khoảng 1 tuần sau sinh, thỉnh thoảng xuất hiện ở trẻ lớn. Theo bác sĩ Khanh, hầu hết các trường hợp mụn thịt ở trẻ nhỏ là do tuyến mồ hôi bị tắc, gây ra mụn. Tương tự như mụn trứng cá, mụn thịt ở trẻ nhỏ là lành tính, và sẽ tự hết sau vài tuần, điều quan trọng là cha mẹ phải chú ý giữ vệ sinh cho trẻ.
Điều trị mụn ở trẻ sơ sinh đúng cách
Trao đổi với Phụ nữ Sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên cha mẹ khi tắm cho con trẻ cần lau rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm, đặc biệt là vùng da mụn. Khi rửa mặt hoặc tắm, cha mẹ không chà xát da của bé vì như vậy sẽ gây ra kích ứng và khiến tình trạng mụn trứng cá nhiều hơn. Cha mẹ không nên cố gắng nặn các mụn này vì nó dễ khiến tình trạng da trẻ trở nên tồi tệ hơn, thậm chí nhiễm trùng.
Nên rửa sạch mặt của bé 2-3 lần bằng nước ấm và cố gắng để cho da bé tự khô nếu thấy mụn nổi nhiều hơn. Bố mẹ có thể sử dụng xà phòng loại dịu nhẹ dành riêng cho trẻ sơ sinh để rửa sạch làn da của con vào mỗi sáng, tối trước khi đi ngủ.
Tuyệt đối không sử dụng các loại kem, dầu dưỡng ẩm hoặc các loại thuốc trị mụn để điều trị cho trẻ vì nó có thể khiến tình trạng mụn ở bé tồi tệ hơn.
Theo bác sĩ Khanh, mụn ở trẻ nhỏ hầu hết sẽ tự khỏi sau 3-4 tuần nếu cha mẹ thực hiện những biện pháp trên. Tuy nhiên, trong trường hợp mụn của trẻ sơ sinh không có dấu hiệu cải thiện sau 3 tháng thì cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ da liễu để được thăm khám kịp thời.