Theo ThS.BS Nguyễn Thị Đan Thanh, Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhiều người bệnh đái tháo đường quyết định "cắt đường" bằng cách hạn chế nêm đường vào bữa ăn. Tuy nhiên, như vậy thôi chưa đủ.
Đường là chất phổ biến, tồn tại trong nhiều thực phẩm quen thuộc hàng ngày như trái cây, cơm... Nhiều người bệnh cắt giảm lượng đường trong bữa ăn nhưng lại ăn 0,5-1 kg hoa quả mỗi ngày. Đây là một sai lầm rất phổ biến tại Việt Nam, nơi có nguồn hoa quả dồi dào và thói quen ăn uống "mùa nào thức nấy".
Dù có nhiều vitamin, chất chống oxy hóa, không ít loại trái cây lại chứa một lượng đường lớn, có thể khiến đường huyết tăng lên. Các loại hoa quả này có thể nhận biết thông qua vị ngọt, chẳng hạn xoài chín, sầu riêng...
Bên cạnh đó, căng thẳng cũng là yếu tố khiến đường huyết tăng. Căng thẳng có thể gây ảnh hưởng đến lưu thông máu và kích thích gan tiết ra đường glucose. Nếu thường xuyên căng thẳng, gan sẽ tiết ra đường glucose nhiều hơn, dẫn đến chỉ cao đường huyết tăng cao.
Thiếu ngủ cũng sẽ khiến các hormone có tác dụng điều chỉnh sự thèm ăn và trao đổi chất bị mất cân bằng, khiến đường huyết tăng đột biến. Các nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ sẽ làm cho khả năng tiết insulin của cơ thể giảm sút, tăng nguy cơ kháng insulin và dẫn đến mất kiểm soát bệnh tiểu đường.
Để hạn chế nguy cơ tăng đường huyết, người bệnh phải biết tính toán, kiểm soát tốt tổng lượng đường đã tiêu thụ hàng ngày.
Đối với người bệnh đái tháo đường có thói quen ăn trái cây, chỉ nên ăn 200 gram trái cây mỗi ngày (chỉ bao gồm phần ăn được, không tính vỏ, hạt) và chỉ ăn các loại trái cây có đường huyết thấp. Các loại trái cây này có thể nhận biết thông qua vị chua, chẳng hạn quả họ cherry.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để hạn chế căng thẳng, ngăn chặn nguy cơ đường huyết tăng trở lại.