Ở Việt Nam, cây chùm ngây mọc hoang hoặc được trồng rải rác ở các tỉnh phía Nam. Cây ưa sáng và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có thể phát triển trên nhiều loại đất.
Do được thuần hóa và trồng trọt lâu đời, cây chùm ngây đã có nhiều biến chủng khác nhau. Đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt giữa các giống là độ dài và màu sắc của quả. Chùm ngây trồng ở các tỉnh phía Nam thuộc nhóm quả ngắn.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3), các bộ phận của chùm ngây cung cấp các chất đạm, vitamin, b-carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolic… Chùm ngây có thể cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS...
Lá của loại cây này có các thành phần như flavonoid, hyperosid, rutosid, terpenoid, oleanoic acid, b-sitosterol đều có hoạt tính chống oxy hóa. Hạt chùm ngây có tác dụng lắng lọc, diệt khuẩn gây bệnh đường ruột.
Cao chiết lá chùm ngây có tính kháng khuẩn mạnh đối với Candida albicans và vi khuẩn Gram (+) như Staphylococcus aureus, Enterococcus feacalis; hoạt tính yếu đối với vi khuẩn Gram (-) như Escherichia coli, Salmonella thyphimurium, Klebsiella pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa.
Đây cũng là loại cây chứa hơn 90 loại dưỡng chất, đồng thời được xem như giải pháp hiệu quả cho các bà mẹ thiếu sữa, trẻ em suy dinh dưỡng... Quả, lá non, hoa của chùm ngây đều có thể dùng làm rau ăn nhưng phải nấu chín.
Về y học, lá, rễ, hạt, vỏ cây, quả và hoa chùm ngây đều có chứa moringinin, có tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa kiết lỵ, phù nề, thấp khớp; kích thích hoạt động của tim và hệ tuần hoàn; hoạt tính chống u bướu, hạ nhiệt, chống kinh phong, chống sưng viêm, trị ung loét, chống co giật, lợi tiểu, hạ huyết áp, hạ cholesterol...
Tuy nhiên, việc dùng chùm ngây để chữa bệnh cần có sự tư vấn, hướng dẫn kỹ lưỡng của bác sĩ y học cổ truyền. Cây chùm ngây hiện được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát, thực phẩm chức năng.