Tiêm phòng khi mang thai là việc mọi bà bầu nên thực hiện đầy đủ vì những mũi tiêm sẽ giúp sản phụ và thai nhi phòng tránh được một số bệnh có khả năng gây nguy hiểm trong quá trình mang thai. Tuy nhiên mẹ bầu thường thắc mắc cần tiêm phòng những mũi gì? Tiêm phòng cho bà bầu vào tháng thứ mấy? Không tiêm phòng khi mang thai có nguy hiểm không?... mẹ cần phải nắm rõ lịch tiêm phòng cho bà bầu dưới đây.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, tiêm phòng chính là một bước đệm quan trọng giúp ngăn ngừa một số vi rút và vi khuẩn có khả năng gây bệnh cho mẹ và bé. Các mũi tiêm cần thiết được chia thành 2 giai đoạn trước khi mang thai và trong khi mang thai như dưới đây.
1. Lịch tiêm phòng cho bà bầu trước mang thai
Tiêm phòng trước khi mang thai được nhiều mẹ bầu thực hiện đúng quy định, đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay, tiêm phòng vắc xin và kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi có kế hoạch sinh con được nhiều gia đình thực hiện. Đây là một việc làm rất hữu ích, có thể đảm bảo cho mẹ và thai nhi sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Có 5 múi tiêm trước khi mang thai đó là:
Vắc xin ngừa cúm
Nếu mẹ bị mắc bệnh cúm trong quá trình mang thai có thể gây dị tật ở thai nhi sau khi sinh ra như tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch,... đặc biệt nếu mẹ mắc bệnh vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối ở thai kỳ.
Việc tiêm phòng cúm giúp con phòng tránh được những dị tật đáng tiếc có thể xảy ra sau sinh. Vắc xin cúm có 2 loại đó là vắc xin cúm bất bại và vắc xin sống giảm độc lực. Ở Việt Nam, sử dụng loại vắc xin bất bại.
Mẹ nên tiêm mũi cúm vào thời gian nào? Bà bầu nên tiêm cúm ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. Hoặc mẹ nên chọn thời điểm dịch cúm diễn ra mạnh vào tháng 10 - đến tháng 3 năm sau.
Có trường hợp cần thiết ví dụ dịch cúm bùng phát mạnh, mẹ có thể tiêm trong quá trình mang thai nhưng được khuyến khích nên tiêm ở giai đoạn 3 tháng giữa, không nên tiêm vào lúc 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối để đảm bảo an toàn của thai nhi.
Một số tác dụng phụ khi tiêm vắc xin cúm (có thể xảy ra) :
- Đỏ, sưng đau nhẹ tại vị trí tiêm
- Sốt nhẹ và mệt mỏi
- Rối loạn cảm giác, đau dây thần kinh, giảm tiểu cầu nhẹ, co giật
- Ảnh hưởng đến mạch máu, thận (hiếm gặp).
Vắc xin thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe của thai nhi, có thể gây ra các hệ quả nghiêm trọng như trẻ sinh ra bị dị tật đầu nhỏ, bại não, gồng cứng tay chân,... Vì vậy việc tiêm vắc xin ngăn ngừa thủy đậu trước khi sinh có vai trò rất quan trọng.
Nếu người mẹ mắc bệnh thủy đậu ở giai đoạn 5 tháng đầu của thai kỳ thì khi sinh con, bé có thể bị liệt chân tay, dị tật hình thể,....
Nếu mẹ mắc thủy đầu vào giai đoạn cuối của thai kỳ, mẹ sắp sinh thì có thể vi rút thủy đậu lây từ mẹ sang con.
Tác dụng phụ khi mẹ bầu tiêm thủy đậu:
- Sưng đỏ, đau tại vị trí tiêm
- Sốt nhẹ
- Một vài trường hợp bị phát ban thể nhẹ trong khoảng 5 đến 10 ngày.
Mẹ nên tiêm thủy đậu lúc nào? Mẹ nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Mũi vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella
Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella còn được gọi tắt là mũi MMR, đây là một căn bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra và dễ lây lan qua đường hô hấp.
Nếu mắc 1 trong các bệnh này, thai nhi có nguy cơ bị dị tật, lưu thai, sinh non, thai ngưng phát triển,... rất nguy hiểm. Vì vậy mũi tiêm này rất quan trọng đối với sức khỏe thai phụ, mẹ nên thực hiện trước khi mang thai.
Thời điểm tốt nhất mẹ nên tiêm vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella là tiêm trước khi mang thai khoảng 3-6 tháng, tối thiểu là 1 tháng trước khi mang bầu, không tiêm khi đã mang thai.
Một số dấu hiệu mẹ bầu có thể gặp phải sau khi tiêm mũi MMR:
Dễ gặp:
- Sưng, đỏ tại chỗ tiêm
- Sốt nhẹ
- Chóng mặt, đau đầu
- Tiêu chảy, buồn nôn
- Đau khớp hoặc đau bắp thịt
Ít khi gặp:
- Sưng mặt, môi, lưỡi
- Phát ban đỏ, khó thở
- Sốt cao, co giật
- Ngất xỉu, suy nhược
Vắc xin ngừa Viêm gan B
Đây là căn bệnh do vi rút HBV gây ra. Nếu cơ thể sản phụ mắc bệnh Viêm gan B trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, khả năng lây sang con là 10-20%, nếu mẹ bị ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, thì khả năng lây cho con lên đến 90%.
Viêm gan B gây phá hủy trực tiếp đến gan, nếu không chữa trị kịp thời bệnh sẽ dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Vì vậy việc tiêm phòng mũi Viêm gan B là rất quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua.
Trước khi mang thai phụ nữ cần được làm xét nghiệm viêm gan B, nếu không mắc phải, mẹ sẽ được cân nhắc tiêm phòng, tốt nhất nên tiêm trước khi mang thai hoặc chưa đủ liệu trình, bác sĩ sẽ cho bạn tiêm thêm mũi trong quá trình mang thai.
Vắc xin ngừa Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván
Ngày nay, những bệnh như bạch hầu, ho gà và uốn ván ngày càng có xu hướng tăng. Bệnh vừa dễ gặp lại gây ra sự nguy hiểm rất lớn cho thai nhi nếu mẹ không may mắc phải. Vì vậy mẹ nên thực hiện tiêm vắc xin ngừa Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván trước khi mang thai.
Bệnh bạch hầu:
Là một bệnh lây lan cấp tính, có thể bạch hầu thường; bạch hầu họng - thanh quản hoặc bạch hầu ác tính. Vi khuẩn đột nhập qua da và niêm mạc gây nhiễm khuẩn ở các vị trí như họng, mũi, thanh quản, mắt, da hoặc bộ phận sinh dục.
Nếu mắc bệnh, vi khuẩn sẽ tiết ra độc tố vào máu, dẫn đến nhiễm độc cơ tim, các dây thần kinh trung ương, ngoại biên hoặc thận, khiến nguy cơ người bệnh tử vong cao.
Bệnh ho gà:
Là một dạng bệnh lây lan qua đường hô hấp bởi vi khuẩn gây nên. Chỉ cần tiếp xúc với nước bọt của người bị bệnh, khả năng lây bệnh lên đến 70-100%. Ho gà có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh não, thậm chí tử vong.
Bệnh uốn ván:
Một trong những nguyên nhân gây ra cái chết hàng đầu cho trẻ sơ sinh ở các nước đang phát triển là do bệnh uốn ván. Nếu đứa trẻ sinh ra bị uốn ván rất dễ bị suy hô hấp, ngừng tim, rối loạn thần kinh thực vật, tỷ lệ tử vong cao từ 10-80%.
Bởi những lý do trên đây nên mẹ cần thực hiện tiêm vắc xin ngừa 3 bệnh trên trong 1 mũi tiêm duy nhất. Mũi tiêm này có thể thực hiện bất cứ lúc nào trong đời từ 4-64 tuổi.
Nếu mẹ không nhớ rõ hồi nhỏ đã được tiêm hay chưa thì hãy tiêm 1 mũi trước khi mang thai hoặc trong quá trình mang thai ở giai đoạn thai nhi được 27-36 tuần tuổi.
2. Lịch tiêm phòng cho bà bầu khi mang thai
Ngoài những mũi tiêm cần thực hiện trước khi mang thai ở trên mẹ bầu cũng cần lưu ý nên tiêm một số mũi theo quy định trong quá trình mang thai.
Đối với phụ nữ mang thai lần đầu: Tiêm 2 mũi uốn ván trong thai kỳ. Mũi đầu tiêm khi thai nhi được 20 tuần tuổi trở lên, tiêm nhắc lại mũi 2 cách mũi đầu khoảng 1 tháng. Và chị em hãy lưu ý rằng, mũi 2 cần được tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
Đối với phụ nữ mang thai lần thứ 2 trở lên: Nếu lần mang thai đầu đã tiêm đủ 2 mũi uốn ván thì trong quá trình mang thai lần 2, cần được tiêm thêm 1 mũi uốn ván khác.
3. Một số lưu ý khi thực hiện lịch tiêm phòng cho bà bầu
- Tiêm phòng cho bà bầu ở đâu? Mẹ nên đến các phòng tiêm chủng dịch vụ hoặc cơ sở y tế của địa phương để được tư vấn về các mũi tiêm trước và khi mang thai.
- Tiêm chủng đúng thời gian quy định của bác sĩ
- Không nên tiêm phòng khi cơ thể của người mẹ có các triệu chứng như sốt, cảm cúm hoặc bệnh xương khớp.
- Sau khi tiêm phòng, hãy đợi theo dõi tình trạng sức khỏe từ 24-48 giờ đề phòng trường hợp phản ứng thuốc.
Trên đây là thông tin về lịch tiêm phòng cho bà bầu, mẹ cần nắm rõ để thực hiện tiêm phòng đúng thời gian và số mũi quy định, nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả đối với sức khỏe cho cả mẹ và con.