Bạn đã từng nghe câu “walk a mile in another’s shoes” (đi một dặm bằng đôi giày của người khác) bao giờ chưa? Câu này có ý chỉ về việc thấu hiểu cảm xúc và quan điểm của người khác. Bạn chỉ có thể hiểu người khác, bạn phải đi cả một dặm bằng đôi giày của họ.
Đồng cảm là khả năng tiếp nhận hoặc tưởng tượng ra quan điểm của người khác. Khi trẻ phát triển khả năng đồng cảm với người khác khi còn nhỏ, nó sẽ góp phần làm tăng các kỹ năng xã hội và quan hệ, đồng thời giúp trẻ hiểu rõ hơn về cảm xúc của chính mình.
Dưới đây là một số cách đơn giản để dạy trẻ lớn lên trong sự đồng cảm.
Xây dựng mối quan hệ với những người chăm sóc
Bước đầu tiên để dạy trẻ em sự đồng cảm là xây dựng mối quan hệ bền vững và an toàn với những người chăm sóc: bên trong gia đình (cha mẹ, anh chị,…) và bên ngoài gia đình (cô giáo,…). Mối quan hệ được thiết lập sẽ kết nối trẻ với những người đồng cảm, giúp trẻ học cách yêu và chấp nhận bởi vì chính trẻ cũng đang trải nghiệm việc bản thân được yêu và được chấp nhận trong các mối quan hệ với cha mẹ, anh chị,…
Giúp trẻ nhỏ đọc được cảm xúc trên khuôn mặt của những người xung quanh
Theo nghiên cứu qua nhiều thập kỷ, con người trên khắp thế giới có những biểu hiện cơ bản giống nhau trên khuôn mặt để đáp lại sáu cảm xúc cơ bản. Học cách đọc khuôn mặt của người khác là một kỹ năng giúp trẻ xác định và cảm nhận được cảm xúc của mình.
Khả năng đồng cảm với người khác bắt đầu từ một điều đơn giản: nhận biết khuôn mặt và cảm xúc của người khác. Với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, việc phát triển các kỹ năng đồng cảm không lời rất quan trọng.
Một số hoạt động giúp rèn luyện kỹ năng đồng cảm không lời:
- Với trẻ sơ sinh, tập đối mặt với trẻ khi cả hai đang nằm sấp.
- Để trẻ nhỏ đối mặt với nhau hoặc với người lớn trong bữa ăn.
- Cho trẻ chơi trước gương để trẻ có thể nhìn thấy bản thân đang tương tác với người khác.
Khi trẻ phát triển hiểu biết hơn về giao tiếp bằng lời, chúng ta có thể thực hành các kỹ năng xây dựng sự đồng cảm về ngôn ngữ như:
- Cho trẻ tự vẽ chân dung để thể hiện cảm xúc hiện tại và cùng nhau ôn lại những cảm xúc đó. Bạn cũng có thể để trẻ vẽ khuôn mặt của một ai đó bất kỳ mà trẻ thích. Thắc mắc với trẻ về những lựa chọn mà trẻ đưa ra khi vẽ khuôn mặt đang vui, buồn hay tức giận đó.
- Thực hành nhận biết cảm xúc cơ bản khi đứng trước gương.
- Thể hiện cảm xúc bằng lời đúng với thời điểm, chẳng hạn như:
“Con có buồn khi bạn đẩy con không?”
“Hình như bạn con bị thương kìa. Con ra xem bạn có bị làm sao không đi.”
Làm gương cho trẻ về sự đồng cảm
Khi người lớn làm mẫu những hành vi đồng cảm với trẻ em và người lớn, trẻ sẽ tiếp thu những kỹ năng đó. Hãy chỉ cho trẻ ý nghĩa của việc trở thành một người lắng nghe tích cực, một người thấu hiểu và đồng cảm qua các hành vi cụ thể.
Không nhất thiết phải thực hiện trong các tình huống thực tế với người khác. Bạn có thể sử dụng búp bê, con rối để diễn cho trẻ xem các tình huống về thấu hiểu cảm xúc và đồng cảm với người khác.
Rất khó để đồng cảm, thấu hiểu người khác. Tuy nhiên, đồng cảm là điều mà trẻ cần học và thực hành trong suốt cuộc đời. Thực hành việc đồng cảm từ khi còn nhỏ sẽ hỗ trợ xây dựng mối quan hệ, hành vi đạo đức và mở rộng thế giới quan của trẻ khi chúng lớn lên.