Đại hồi (hay còn gọi là đại hồi hương, bát giác hồi hương) thuộc họ cây thường xanh. Hoa hồi mọc riêng lẻ hoặc xuất hiện tại kẽ lá từ 2 - 3 cái, phía ngoài hoa màu trắng, bên trong hoa màu hồng thắm. Trong khi đó, quả hồi có từ 6 - 8 cánh xếp thành hình ngôi sao, có khi còn có từ 12 - 13 cánh, được biết đến như một loại gia vị mang mùi thơm.
Ở Việt Nam, đại hồi thường có tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang... và trở thành đặc sản quý tại đây.
Trong những năm gần đây, đại hồi được dùng nhiều trong nấu ăn như một loại gia vị đặc biệt và giúp nâng tầm đẳng cấp mới. Từ lâu, nhiều người thích cho đại hồi vào các món ăn như phở truyền thống, món cà ri hay thịt đông thêm thơm ngon, hấp dẫn và có mùi đặc trưng.
Không những vậy, ngũ vị hương – một loại gia vị nổi tiếng trong ẩm thực, được sử dụng rộng rãi cũng có thành phần chính là hồi và quế.
Tác dụng của đại hồi theo y học hiện đại và y học cổ truyền:
Đối với y học hiện đại: Hỗ trợ tiêu hóa; Tác dụng long đờm, ức chế sự lên men ruột, giúp quá trình trung tiện được dễ dàng; Giúp lợi sữa và làm dịu các cơn đau dạ dày, đau ruột...
Đối với y học cổ truyền: Chữa đau bụng, bụng đầy hơi; Giúp hỗ trợ tiêu hóa, ăn uống không ngon miệng; Chữa đau nhức tê thấp, thấp khớp; Chữa đái dầm, ngộ độc và bệnh nấm da, Sát trùng và giảm đau...
Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng đại hồi trong điều trị như sau:
Không dùng đối với những người dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần trong dược liệu này.
Không được sử dụng trong điều trị ở người bệnh bị âm hư, hỏa vượng.
Sử dụng liệu quá cao đại hồi có thể gây ngộ độc với biểu hiện run tay chân, sung huyết não, phổi và co giật…
Phụ nữ có thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.