Những đứa trẻ bị hành hạ đến chết
Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái là cặp đôi tai tiếng nhất mạng xã hội trong năm qua. Cả 2 sống chung như vợ chồng cùng bé N.T.V.A. (8 tuổi, con riêng của Thái).
Thái giao cho Trang chăm sóc, dạy học cho con gái nhưng Trang lấy cớ cháu học không tốt rồi đánh đập, tra tấn cháu bé. Trang còn có hành vi sỉ nhục cháu như bắt V.A. cởi hết quần áo rồi nhốt vào chuồng chó… Đỉnh điểm là ngày 22/12/2021, Trang đánh đập V.A. nhiều giờ khiến cháu bé tử vong.
Chiều 25/11, TAND TPHCM tuyên án tử hình bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội Giết người và Hành hạ người khác; bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái 8 năm tù về tội Che giấu tội phạm và Hành hạ người khác.
HĐXX xác định thời điểm xảy ra vụ án, bé gái mới 8 tuổi, Trang đánh đập bé gái trong tình trạng không mặc quần áo, dùng hung khí nguy hiểm đánh đập, hành hạ bé gái khi bị hại không có khả năng chống trả. Hành vi của Trang là đặc biệt nguy hiểm, mang tính chất côn đồ, động cơ đê hèn, phạm tội đến cùng.
Những ngày tòa xét xử bị cáo Quỳnh Trang, sân tòa chật kín người dân quan tâm đến vụ án, bày tỏ sự tiếc thương cho số phận cơ khổ của bé V.A và sự phẫn nộ đối với người phụ nữ tàn độc...
Trước đó, vào ngày 13/10, TAND TP Hà Nội cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) tử hình về tội Giết người, 4 năm tù về tội Cố ý gây thương tích. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Hành vi của bị cáo Huyên còn tàn nhẫn hơn Trang khi kẻ tàn ác này sử dụng súng bắn đinh bắn 10 cây đinh vào đầu bé gái Đ.N.A. (3 tuổi) khiến cháu tử vong sau nhiều ngày đau đớn. Huyên là người tình sống chung phòng trọ với mẹ cháu N.A.
Trước khi bắn đinh vào đầu dẫn đến cái chết cho cháu A., Huyên còn nhiều lần hành hạ cháu bằng cách lấy keo dán gỗ nhỏ vào mũi bé gái, cho bé uống thuốc diệt cỏ, bắt cháu nuốt đinh vít, đánh gãy tay cháu bé…
Trong bản luận tội, kiểm sát viên nhấn mạnh hành vi của bị cáo thể hiện tính chất côn đồ, hành vi man rợ, động cơ đê hèn. Mọi người theo dõi phiên tòa xét xử bị cáo Huyên đều ám ảnh vì hành vi tàn độc của bị cáo đối với bé gái chỉ mới lên 3.
Tội ác còn tiếp diễn
Dù dư luận xã hội kịch liệt lên án những hành vi bạo hành trẻ em, pháp luật luôn dành mức án cao nhất cho những kẻ có hành vi tàn ác với trẻ nhưng thực tế cho thấy những vụ việc đau lòng trên vẫn xảy ra, mức độ tàn ác ngày càng nghiêm trọng.
Ngày 15/11, UBND quận 7 (TPHCM) lên tiếng về vụ án cháu bé 17 tháng tuổi tử vong xảy ra ngày 6/11 tại khu nhà trọ trên đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Mỹ, quận 7).
Sự việc được phát hiện khi anh Đức (cha của bé T.G.H.) được Nguyễn Ngọc Phượng (31 tuổi, chủ nhà trẻ nơi anh Đức gửi bé H.) điện thoại báo tin bé H. bị bệnh nặng, được đưa đi cấp cứu. Anh Đức đến bệnh viện thì thấy con tím tái, hôn mê, trên người có nhiều vết bầm tím. Đến ngày 8/11, bé H. qua đời.
Công an quận 7 đã tiến hành khám nghiệm, điều tra hiện trường, giải phẫu tử thi và xác định nguyên nhân chết của bé H. là do chấn thương sọ não. Công an mời Phượng về làm việc.
Tại cơ quan công an, Phượng khai nhận bé H. thường xuyên quấy khóc nên Phượng bực tức, nhiều lần đánh vào mặt, tay và chân của bé.
Đỉnh điểm từ ngày 31/10 đến ngày 5/11, khi bé H. quấy khóc thì Phượng đã dùng tay tát mạnh vào mặt và dùng tay gõ mạnh vào vùng đầu của bé nhiều lần, có lần đã dùng bình sữa gõ vào đầu cháu.
Vào ngày 31/5, Công an quận Bình Tân (TPHCM) cũng đã tiến hành bắt giữ Hứa Thị Kim Trang (21 tuổi) để điều tra làm rõ hành vi bạo hành khiến bé gái 1 tuổi tử vong.
Trước đó, Công an quận Bình Tân tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện quận Bình Tân về trường hợp bé gái T.N.T.K (1 tuổi) nhập viện trong tình trạng tím tái được xác định tử vong trước khi đến bệnh viện.
Kết quả điều tra cho thấy, cha mẹ cháu K. từ Sóc Trăng lên TPHCM làm công nhân nên thường gửi K. cho Trang trông coi. Ngày 27/5, đang đi làm thì chị V. (mẹ bé K.) nhận được điện thoại báo cháu bị ho, nôn ra sữa, người tím tái nên chị về nhà đưa cháu nhập viện.
Khám nghiệm tử thi, Công an quận Bình Tân phát hiện khu vực vùng bụng bé K. tím tái, đa chấn thương, dập gan, dập phổi, có dấu hiệu bạo hành nên đã đưa Trang về trụ sở làm rõ. Tại đây, Trang khai do cháu K. ho và ói sữa liên tục nên đã đánh vào bụng cháu nhiều lần.
Trách nhiệm của toàn xã hội
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Quốc hội, công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình trong năm 2021 ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội.
Bộ LĐ-TB&XH liệt kê nhiều vụ việc điển hình, trong đó có vụ án Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành bé V.A. đến chết và vụ Nguyễn Trung Huyên đóng đinh vào đầu con riêng của vợ.
Trong báo cáo, Bộ LĐ-TB&XH nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nhận thức của gia đình và xã hội, thờ ơ với hành vi gây nguy hại cho trẻ em; không quan tâm đến các dấu hiệu trẻ có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại; không kịp thời can thiệp hoặc trình báo cơ quan chức năng can thiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, một trong những giải pháp quan trọng nhất để hạn chế những vụ án đau lòng như trên xảy ra là phải hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình. Với những trẻ nhỏ, phải thay đổi nhận thức của xã hội, cần cả xã hội nâng cao trách nhiệm lên tiếng, thông báo, tố cáo các hành vi xâm hại trẻ.
Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang vận hành Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoạt động rất hiệu quả, có mạng lưới và cơ chế phối hợp để can thiệp, giải quyết ngay các vụ việc gây hại cho trẻ em khi nhận được trình báo. Điều quan trọng là người dân và xã hội quan tâm, trình báo ngay cho cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.
Chỉ riêng năm 2021, Tổng đài 111 đã tiếp nhận hơn 500.000 cuộc gọi đến và tiếp nhận tư vấn cho hơn 35.000 ca, can thiệp ngay cho gần 1.300 ca có dấu hiệu trẻ em bị xâm hại, bạo hành để bảo vệ các em.
Trong số gần 1.300 ca cần can thiệp có 625 ca bạo lực trẻ em, chiếm gần 50% tổng số ca. Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có số vụ việc trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp cao nhất toàn quốc (Hà Nội 247 ca, chiếm gần 20%; TPHCM 198 ca, chiếm gần 16%).
Tổng đài 111 thực hiện quy trình kết nối với trẻ em hoặc gia đình nạn nhân và các cơ quan, dịch vụ có liên quan tại địa phương và trung ương để can thiệp; đồng thời theo dõi kết quả xử lý từng ca.
Đối với các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng hoặc giải quyết chậm trễ, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản hoặc trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc Sở LĐ-TB&XH nơi xảy ra vụ việc phối hợp với các cơ quan liên quan can thiệp, kịp thời bảo vệ an toàn cho trẻ em.