Ngày 25/11/2022 vừa qua, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ bạo hành bé gái 8 tuổi đến chết. Theo đó, Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị truy tố về tội giết người và hành hạ người khác. Nguyễn Kim Trung Thái bị truy tố vì tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé N.T.V.A. (sinh năm 2013) gồm các luật sư: Trần Thị Ngọc Nữ, Phạm Công Hùng, Khưu Mỹ Vinh và Nguyễn Ánh Thơm.
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang là luật sư Nguyễn Ngọc Trâm, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái là luật sư Phạm Thị Ngọt và Võ Thị Xuân Thùy.
Ghi nhận tại phiên xử, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, cho rằng cần phải xem xét lại tội danh của Thái. Theo luật sư, quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại tòa, cha cháu bé đã thừa nhận hành vi phạm tội. Thái khai đã chứng kiến Trang đánh đập, cởi quần áo cháu để đánh đập, dùng kìm bẻ răng cháu một cách dã man, tàn bạo.
Ngoài ra, Thái còn dùng hung khí nguy hiểm đánh con gái, nhốt cháu V.A. vào chuồng chung với chó, nhiều lần chứng kiến Trang đánh con nhưng không can ngăn.
Bà Nữ cho rằng là cha ruột nhưng Thái đã cùng Trang đánh bé V.A. bằng hung khí nguy hiểm. Thái đã cùng Trang thực hiện hành vi phạm tội đê hèn. Hành động đó là động cơ thúc đẩy Trang đánh bé một cách man rợ.
"Mặc dù lời khai của Thái tại cơ quan điều tra là đổ tội cho Trang, đã can ngăn không cho Trang đánh đập bé V.A, tuy nhiên lời khai này mâu thuẫn với diễn biến vụ án, với chuỗi hành động của Thái", luật sư nói và cho rằng điều tra viên chấp nhận lời khai này và ghi vào biên bản là không hợp lý. Bà Trần Thị Ngọc Nữ nhận định Thái phải chịu trách nhiệm chính về cái chết của bé V.A.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng mức án nào cũng không tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo. Ông Thơm đề nghị tòa trả hồ sơ, thay đổi tội danh sang tội Giết người đối với Nguyễn Kim Trung Thái nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.
Về phía 2 luật sư bào chữa cho Nguyễn Kim Trung Thái, trước khi tiến hành đưa ra luận cứ, bà Phạm Thị Ngọt cho biết kể từ khi nhận vụ án, bà áp lực vì bào chữa cho một người bị dư luận quay lưng, chỉ trích. Theo quan điểm của bà Ngọt, luật sư mong được giảm nhẹ hình phạt để khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, bà Ngọt cũng cho rằng từ sau khi làm việc với cơ quan điều tra, Thái có thái độ hợp tác, thành khẩn khai báo, chưa kể trước đây bị cáo chưa từng có tiền án tiền sự. Đây được xem là những tình tiết giảm nhẹ đối với Thái.
Tuy nhiên, việc luật sư bào chữa cho Thái mong được giảm nhẹ hình phạt để khắc phục hậu quả, VKS cho rằng nạn nhân đã chết rồi thì không có gì có thể khắc phục. Do đó, đại diện VKS không đồng tình với đề nghị giảm án của luật sư.
Kết thúc 1 ngày xử án, Tòa xác định hành vi của bị cáo Trang là quá tàn nhẫn, đê hèn, không còn nhân tính. Phạm tội với tính chất côn đồ, giết người dưới 16 tuổi, cương quyết thực hiện hành vi tới cùng.
HĐXX xác định Trang không còn khả năng giáo dục, cải tạo nên cần áp dụng mức hình phạt cao nhất mới tương xứng với tội ác của bị cáo đã gây ra.
Đối với bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái, là cha ruột của bé V.A. là người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ con ruột của mình, nhưng khi chứng kiến nhân tình hành hạ, tra tấn con ruột, Thái không can ngăn mà còn nhiều lần có hành vi cùng với người yêu đánh đập, chửi bới hành hạ con gái. Không những vậy, khi biết người tình đánh chết con gái, anh ta liền xóa hết dữ liệu camera trong nhà nhằm che giấu tội ác của Trang.
TAND TPHCM tuyên bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi quê Gia Lai) mức án tử hình về tội Giết người và Hành hạ người khác.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, cha nạn nhân) bị phạt 8 năm tù về tội Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm.
Luật sư Phạm Thị Ngọt xung phong tham gia Đoàn bào chữa viên nhân dân năm 1983. Vốn dĩ là một giảng viên luật chuyên ngành Luật hình sự, mục đích đầu tiên khi vào nghề của bà là để bổ sung thêm những ví dụ thực tế trong các bài giảng cho sinh viên ở trường.
Trong ngành luật sư, luật sư Phạm Thị Ngọt luôn là cái tên được nhắc đến hàng đầu vì những đóng góp của bà cho công lý. Thế nhưng khi nói về sự nghiệp của mình, bà nói chẳng biết đến thành công. Vị nữ luật sư luôn tâm niệm trong công việc rằng sẽ làm hết trách nhiệm của một luật sư. Mọi người có thể cho rằng đó là công thành danh toại, nhưng đối với một luật sư, sự thành công đó không có nghĩa lý gì trước những thân phận người đớn đau, bất hạnh.