Mới đây, khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (38 tuổi, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) nhập viện do đau họng, ho ra máu.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh nhưng than mệt nhiều, thể trạng gầy, da sạm, củng mạc mắt vàng, run tay, đau họng nhiều, nuốt đau, ho từng tiếng, khạc đờm ít dây máu đỏ.
Nội soi tai mũi họng cho kết quả u xoang lê phải. Bệnh nhân đã được chỉ định chuyển tuyến trên điều trị.
Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử lạm dụng rượu, thường uống khoảng 1 lít rượu mỗi ngày. Khoảng 7 ngày trở lại đây, người bệnh xuất hiện triệu chứng ho nhiều từng cơn, khạc ra máu đỏ tươi lẫn đờm với lượng khoảng 10 ml/lần, đau tức ngực, khó thở kèm đau họng nhiều, nuốt đau tăng, ăn uống kém... có dùng thuốc tại nhà nhưng không thuyên giảm.
Bác sĩ Mai Thị Hạnh, khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên khối u ở xoang lê của bệnh nhân. Thế nhưng, rượu có thể là yếu tố liên quan đến bệnh lý này.
U xoang lê là bệnh cảnh phổ biến nhất của ung thư vùng hạ họng. Triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh là rối loạn nuốt một bên hoặc cảm giác khó chịu một bên họng, đặc biệt khi nuốt nước bọt.
Khi bệnh nặng, các triệu chứng rối loạn nuốt tăng dần, nuốt đau nhói lên tai ngày càng rõ. Ngoài ra, người bệnh còn bị thay đổi giọng nói, khàn tiếng do phù nề.
Thường xuyên hút thuốc lá, nghiện rượu, vệ sinh răng miệng kém, virus HPV... là các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư hạ họng. Đây là loại ung thư khá phổ biến và có khả năng nguy hại tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể giảm một cách đáng kể.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu được xếp vào nhóm chất gây nên 7 bệnh ung thư: Ung thư khoang miệng, ung thư họng, ung thư thanh quản, ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ.
Khi sử dụng rượu bia, 95% chất cồn được chuyển hóa qua gan sẽ trở thành các hợp chất mới. Dưới tác dụng của enzyme alcohol dehydrogenase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde, chất này tấn công DNA làm sinh sôi các tế bào ung thư.
Càng uống nhiều rượu, hàm lượng acetaldehyde trong nước bọt sẽ càng gia tăng, góp phần làm tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, vòm họng, thực quản và đường hô hấp. Do đó, người lạm dụng rượu nhiều năm có nguy cơ ung thư cao hơn so với người bình thường.