Giá trị dinh dưỡng của sữa chua
Các chất đạm và chất béo có sẵn trong thành phần của sữa chua đã được chuyển hóa một phần, giúp rút ngắn thời gian hấp thu trong hệ thống tiêu hóa.
Đường lactose đã lên men nên dễ hấp thu hơn, giảm lượng đường tồn đọng ở hệ tiêu hóa của trẻ, tránh được tiêu chảy, hỗ trợ cơ thể trẻ hấp thu canxi và một số khoáng chất khác dễ dàng hơn.
Sữa chua là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao: 100g sữa chua chứa khoảng 100kcal (tương đương khoảng ½ bát cơm trắng hoặc 2 trái chuối xanh), đường 15.4g, đạm 3.1g, chất béo khoảng 3g, canxi và một số loại vitamin bổ dưỡng khác.
Một số loại sữa chua còn bổ sung DHA - một loại chất béo không no chuỗi dài - giúp sáng mắt và tăng chỉ số phát triển trí tuệ cho trẻ.
Ngoài ra, cho trẻ ăn sữa chua thường xuyên và đúng cách sẽ giúp trẻ tăng trưởng về chiều cao, giúp xương cứng cáp và chắc khỏe hơn. Canxi trong sữa chua còn giúp chuyển hóa mỡ thừa và đốt cháy chúng hoàn toàn thành năng lượng, ngăn ngừa bệnh béo phì ở trẻ em.
Nên cho trẻ ăn sữa chua khi nào?
Mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn sữa chua khi trẻ được 6 tháng tuổi. Đối với trẻ nhỏ, nên chọn loại sữa chua nguyên kem là tốt nhất. Trong giai đoạn đầu đời, trẻ cần nhiều chất béo để phát triển đầy đủ, chất béo đặc biệt quan trọng trong việc phát triển trí tuệ của trẻ. Lượng sữa chua sẽ khác nhau theo từng độ tuổi của trẻ:
Trẻ từ 6 đến dưới 1 tuổi: khoảng 50 g/ngày.
Trẻ từ 1 đến 2 tuổi: 80 g/ngày.
Trẻ trên 2 tuổi: 100 g/ngày.
Mẹ nên cho trẻ ăn sữa chua vào thời điểm nào trong ngày?
Cho trẻ ăn sữa chua buổi tối
Giống như sữa, sữa chua rất giàu canxi, nhưng nhờ tác dụng của acid lactic giúp giữ lại canxi nên sữa chua tốt hơn sữa thường trong việc thúc đẩy cơ thể hấp thu canxi.
Trước khi đi ngủ khoảng 1 – 2 giờ là thời điểm ăn sữa chua tốt nhất cho trẻ. Ngoài ra, để tối đa hóa hiệu quả của canxi trong sữa chua, bé có thể uống bổ sung thêm canxi vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Thời điểm từ tối đến nửa đêm là lúc hàm lượng canxi trong cơ thể thấp nhất, đây là thời điểm cơ thể đẩy mạnh việc hấp thu canxi trong thực phẩm.
Cho trẻ ăn sữa chua sau bữa ăn chính 1- 2 giờ
Hệ lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ tồn tại ở điều kiện pH lớn hơn hoặc bằng 5.4. Tuy nhiên khi đói bụng, dạ dày không chứa thức ăn thì độ pH lúc này chỉ bằng 2, các lợi khuẩn trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt ở điều kiện pH này làm giảm tác dụng của lợi khuẩn đối với cơ thể.
Sau khi ăn xong từ 1 – 2 giờ, dạ dày co bóp mạnh để nghiền nát thức ăn, lúc này độ pH bên trong tăng lên từ 3 - 5, đây là điều kiện pH lý tưởng cho hệ lợi khuẩn trong sữa chua hoạt động.
Những lưu ý khi cho trẻ ăn sữa chua
Lựa chọn sữa chua lên men tự nhiên
Hiện nay có nhiều sản phẩm sữa chua được bày bán trên thị trường. Thành phần chủ yếu là sữa bò hoặc bột sữa, đường, acid tạo vị chua như acid chanh hoặc acid táo, hương liệu, chất bảo quản…
Nhưng những loại sữa chua này có vị chua không phải do sữa lên men tự nhiên, thường chứa ít chất dinh dưỡng hơn, mẹ nên chọn lựa kỹ trước khi mua.
Đánh răng sau khi cho trẻ ăn sữa chua
Hệ lợi khuẩn trong sữa chua hoạt động rất mạnh, có thể ảnh hưởng đến men răng của trẻ, thậm chí làm hỏng men răng.
Mẹ nên lưu ý đánh răng cho trẻ sau khi ăn sữa chua, đặc biệt là buổi tối. Bên cạnh đó, các axit trong sữa chua cũng là một tác nhân gây hại cho sức khỏe răng miệng.
Không nên cho trẻ ăn sữa chua khi bụng đói
Ngoài việc hệ lợi khuẩn trong sữa chua bị bất hoạt do pH thấp ở dạ dày thì sữa chua còn dễ gây kích thích đường tiêu hóa khi ăn trong lúc đói. Điều này khiến cho sữa chua chưa kịp hấp thu hết đã bị thải ra ngoài.
Không nên hâm nóng sữa chua
Khi hâm nóng hoặc thêm nước nóng vào sữa chua sẽ khiến cho hệ lợi khuẩn trong sữa chua chết đi, mất khả năng hoạt động.
Không dùng chung với các loại thuốc điều trị bệnh
Thuốc kháng sinh hoặc các thuốc chứa thành phần amin lưu huỳnh có thể phá vỡ hoặc tiêu diệt hệ lợi khuẩn trong sữa chua.
Có thể thấy, sữa chua là loại thực phẩm rất bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Mẹ nên cho trẻ ăn sữa chua mỗi ngày để trẻ phát triển thật khỏe mạnh.