Mong ước của cha mẹ là làm sao trẻ lớn lên thành công trong cuộc sống. Định nghĩa thành công không gói gọn trong sự giàu có, địa vị hay học thức cao.
Sự thành công thật sự mà các chuyên gia xã hội học, thậm chí nhà kinh tế học cũng đồng ý với các chuyên gia sức khỏe chính là: "Các bé tìm được mục tiêu để theo đuổi. Khi làm điều mà trẻ thích, về mặt lợi ích sức khỏe, cơ thể trẻ sẽ tạo ra vô số "nhân tố hạnh phúc", chính nhân tố hạnh phúc này sẽ nuôi dưỡng 1 cơ thể khỏe mạnh không bệnh tật. Khi cơ thể khỏe mạnh thì trẻ vui vẻ tạo dựng các mối quan hệ và phát triển kinh tế bền vững".
Cũng là một "quỹ sống 60 năm", có người sẽ sử dụng hoàn toàn, trọn vẹn, nhưng có người sẽ lãng phí hoặc có người sẽ hối hả. Điều mà chúng ta ít chú ý hơn: Mọi đứa trẻ có quỹ thời gian "nuôi dưỡng tâm hồn và kỹ năng" là 6 năm đầu đời.
Tại thời điểm này, trẻ gần như chơi hoàn toàn, bởi vì chơi là cách mà trẻ học hỏi kỹ năng và nuôi dưỡng cảm xúc trong tâm hồn. Sự sáng tạo là cái mà cần được xây dựng trong giai đoạn này.
Trẻ con cần được dạy cách sử dụng và phát triển sáng tạo trước khi sự linh động não bộ bắt đầu "đông cứng". Đông cứng ở đây ám chỉ rằng nếu trẻ chưa kịp xây dựng và phát triển thì sự sáng tạo giai đoạn sau sẽ ở một giai đoạn khởi tạo nhưng sai thời điểm.
Đáng lẽ, điều này nên phát triển trước đó, thời điểm có nhiều ủng hộ cho sự khởi tạo. Giáo sư Emanuel Jauk từng chia sẻ rằng: Có một mối liên hệ tích cực giữa sự xây dựng khởi tạo sáng tạo sớm với trí thông minh và "thành công" của trẻ ở những giai đoạn sau.
Làm gì để trẻ xây dựng và khởi tạo khả năng sáng tạo?
Tiến sĩ Anne M., Đại học Harvard (Mỹ), từng chia sẻ 3 điều mà chúng ta cần làm để giúp sự khởi tạo sáng tạo của bé:
Hãy làm và cảm nhận
Để trẻ có cơ hội thử làm và chính trẻ sẽ cảm nhận sự thất bại cũng như thành công. Dù kết quả như thế nào, trẻ đều biết cách làm trên chính đôi tay và tâm trí của trẻ. Chỉ khi có bản thân của trẻ trong đó thì trẻ mới biết cách làm nó khác đi.
Ví dụ: Nhiều cha mẹ sợ con làm hư/làm rách /làm xấu và giành hết phần khó, chỉ cho con một ít phần dễ để kết thúc. Thay vì vậy, cứ để trẻ tô màu hết tất cả, chính cơ hội này sẽ làm con bạn lớn hơn.
Định nghĩa đi sau sự lựa chọn
Cha mẹ chúng ta thường cho "định nghĩa" về một sự vật, một vấn đề và gắn ép trẻ chấp nhận định nghĩa mà thiếu giải thích.
Ví dụ: Thay vì mắng trẻ "Tại sao con tô chiếc lá màu đen, có chiếc lá nào màu đen không?", một người mẹ thông thái hơn sẽ sẽ hỏi: "Tại sao con chọn tô màu đen?".
Tiếp đó, cha mẹ sẽ đề xuất "Chúng ta nên ra vườn xem thử chiếc lá màu gì?" Khi dẫn bé ra vườn hãy hỏi bé về màu chiếc lá và yêu cầu bé nhặt thêm những chiếc lá có màu khác. Đó là ví dụ cho thấy cách bạn giúp trẻ khởi tạo sự sáng tạo khi gặp vấn đề trái định nghĩa của bạn.
Trẻ dưới 2 tuổi, hãy cứ để trẻ phát triển sáng tạo. Ví dụ trẻ vẽ lá màu đen, bạn chỉ cần để bé hoàn thành công việc theo ý bé. Từ sau 2 tuổi, hãy dùng cách trên để cho trẻ tự tìm cái sai trong định nghĩa và tự sửa.
Phát triển tư duy phản biện cho trẻ bằng hỏi đáp
Một cách phát triển tự nhiên của não bộ, trẻ trong độ tuổi 1-6 sẽ bắt đầu hỏi vặn vẹo cha mẹ rất nhiều câu hỏi. Đó là cách mà trẻ tiếp nhận vấn đề.
Cha mẹ nên tận dụng cơ hội này để trả lời câu hỏi của trẻ một cách "có tâm". "Có tâm" có nghĩa là đừng trả lời đại, đừng trả lời cho xong, hãy tìm hiểu hoặc hứa hẹn một ngày khác sẽ trả lời. Khi hứa thì chúng ta nhớ giữ lời vì trẻ sẽ mong đợi câu trả lời của bạn hơn bao giờ hết.
Khi trả lời trẻ, đừng quên hỏi đáp lại. Dùng cấu trúc câu hỏi như: Như thế nào? Ai? Làm gì? Ở đâu? Đúng hay sai? Tại sao?...
Cách trẻ đưa ra ý kiến chính là cách mà trẻ phản biện lại bạn, hãy tôn trọng và áp dụng phương pháp thứ 2 ở trên để giúp trẻ "sửa định nghĩa" nếu cần.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh)