Thông thường, trẻ em hay nghiến răng trong lúc ngủ say vào ban đêm, đôi khi cũng xảy ra vào ban ngày trong những giấc ngủ trưa, ngủ dặm chiều nếu bị căng thẳng. Khi trẻ nghiến răng sẽ phát ra tiếng ken két hoặc không và tỷ lệ bé trai nghiến răng cao hơn bé gái.
Phần lớn, các bé nghiến răng khi ngủ thường không biết mình bị tật này. Vì thế, bố mẹ cần phải theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của con để sớm tìm ra nguyên nhân khắc phục, tránh để sức khỏe răng miệng của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng nghiến răng khi ngủ ở trẻ
Theo các chuyên gia, dù đã có nhiều cuộc nghiên cứu về tật nghiến răng khi ngủ ở trẻ em nhưng đến nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng có thể trẻ nghiến răng là do răng trên và răng dưới không khớp nhau, khiến trẻ khó chịu. Khi nghiến răng sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và lâu ngày trở thành thói quen.
Bên cạnh đó, ở một số trường hợp trẻ nghiến răng có thể là để giảm đau hoặc do mọc răng. Ngoài ra, có thể là do di truyền hoặc sợ hãi, giận dữ, căng thẳng như bị cha mẹ rầy la... thì trẻ cũng sẽ bị nghiến răng khi ngủ, đôi khi trẻ nghiến răng là do quá hiếu động.
Tuy nhiên dù là nguyên nhân nào gây ra đi chăng nữa thì tật nghiến răng kéo dài không những gây khó chịu cho người ngủ bên cạnh mà có thể khiến bé thường xuyên cảm thấy mỏi hàm sau khi thức dậy. Nghiến răng cũng khiến răng bé bị mài mòn, dễ bị vi khuẩn tấn công, sâu răng. Hơn nữa, khi nghiến răng cơ mặt của trẻ sẽ phải hoạt động nhiều ảnh hưởng đến các dây thần kinh vùng đầu kèm theo chứng rối loạn khớp thái dương hàm.
Cách chữa bệnh nghiến răng khi ngủ ở trẻ em hiệu quả
Các bậc phụ huynh hãy căn cứ vào nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ ở trẻ để đưa ra cách điều trị hiệu quả. Nếu như trẻ bị căng thẳng liên quan đến chuyện học tập và bạn bè thì mẹ hãy tạo ra một số hoạt động giúp trẻ thư giãn như trò chuyện, đọc truyện tranh để giúp con thoải mái trước khi đi ngủ. Chỉ cần luôn giúp con cân bằng trạng thái tâm lý, tình cảm là đã có thể giảm bớt tình trạng nghiến răng.
Tuy nhiên, nếu phát hiện thấy con có những vết mòn trên bề mặt răng thì bố mẹ nên nhanh chóng đưa con đến chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để thăm khám, bác sĩ chẩn đoán tình hình khớp cắn. Lúc này, có thể bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp tác động ngoại khoa như mài những điểm cộm của răng, mài chỉnh các răng để các răng ăn khớp với nhau hơn. Cũng có thể bác sĩ sẽ làm một máng nhựa mềm cho trẻ mang trong miệng vào buổi tối. Máng nhựa mềm có tác dụng ngăn chặn sự phá hoại răng do nghiến, làm giảm khả năng mòn răng và gãy nứt răng do nghiến răng gây ra. Bên cạnh đó, loại máng nhai này cũng làm giảm tình trạng co thắt của các cơ nhai. Sử dụng máng mặt nhai cũng là phương pháp được nhiều bác sĩ trên thế giới áp dụng để điều trị tình trạng nghiến răng cho trẻ.
Ngoài ra, ở một số trường hợp, trẻ sẽ tự bỏ tật nghiến răng mà không cần phải điều trị gì vì thế các bậc phụ huynh không cần phải quá lo lắng.