Bầm tím, chảy máu chân răng
Bé Đỗ Thị T. (14 tuổi, Ân Thi, Hưng Yên) đang điều trị tại Khoa Máu và trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương bị ung thư máu. Chị Huế, mẹ của T., cho biết con gái chị bị bệnh từ tháng 7/2018. Chị chia sẻ ban đầu T. thường xuyên bị chảy máu khi đánh răng.
Thấy con nói hay bị chảy máu chân răng, chị Huế mua cho con bàn chải đánh răng khác nhưng vẫn không cải thiện.
Sau đó, T. xuất hiện những vết bầm tím trên da. Chị Huế kể “khi đó là mùa hè, cháu mặc quần ngắn nên tôi thấy chân cháu có các vết bầm tím trên da. Tôi tưởng cháu ngã nhưng vết bầm ngày càng đậm và không nhạt màu đi”.
Các dấu hiệu chảy máu chân răng, bầm tím còn chưa rõ nguyên nhân thì T. lại bị sốt. T. sốt cao và truyền dịch nhưng không đỡ. Người mẹ cho con đến một phòng khám tư nhân. Bác sĩ sờ thấy cháu có hạch ở góc hàm nên khuyên đưa lên tuyến trên.
Chị Huế cho con lên Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương khám bác sĩ xét nghiệm chẩn đoán bệnh máu và chuyển cháu về Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Lúc đó, chị Huế cũng chưa biết rõ bệnh của cháu là bệnh gì.
Về tới Viện Huyết học, bác sĩ thông báo cháu bị Lơ xê mi cấp - một bệnh ung thư máu, vợ chồng chị Huế giấu con vì sợ cháu suy nghĩ. Nhưng khi lên tới viện, ở khoa nhiều trẻ bị ung thư máu rồi cháu cũng biết bệnh của mình.
Từ đó, T. thường hỏi mẹ về bệnh của mình nhưng cô bé tuyệt nhiên không khóc hay buồn mà luôn cười vui chiến đấu với bệnh tật.
Trường hợp bé Uyên L. (7 tuổi, quê Thanh Hoá) cũng bị ung thư máu và đến giờ cháu đã bị biến chứng não rất nặng phải nằm cấp cứu. Mẹ của cháu cho biết bé bị ung thư máu từ mấy năm trước và đã điều trị ổn định nhưng gần đây cháu lại bị tái phát nặng.
Giống hàng trăm bệnh nhi bị ung thư máu ở đây, những ngày đầu Uyên L. thường xuyên bị chảy máu chân răng. Mẹ cháu kể có khi chỉ cắn cái gì cứng là máu chảy rất nhiều và da ở vùng cánh tay, chân bắt đầu tím bầm.
Khi đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị ung thư máu và đến nay bệnh đã nặng hơn rất nhiều cháu phải nằm phòng cấp cứu và thở máy.
Dấu hiệu của ung thư máu
TS Bạch Quốc Khánh – Viện Trưởng Viện huyết học và Truyền máu trung ương cho biết ung thư máu là bệnh máu ác tính ở trẻ em và chiếm tới 88% các bệnh ung thư ở trẻ.
TS Khánh cho biết độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 1-5 tuổi và chiếm gần 50% các bệnh nhân ung thư máu. Bé trai có tỷ lệ mắc bệnh 64%, ở bé gái là 36%.
Tại Khoa máu và trẻ em của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương có hàng trăm trẻ đang điều trị bệnh ung thư máu ở đây. Nhiều trẻ đã có thâm niên điều trị tới 5 năm và bệnh vẫn đang bị tái phát.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng cho biết bệnh ung thư máu là bệnh cấp tính, bệnh nhi vào viện khi đã nặng. Ung thư máu khó chẩn đoán xác định giai đoạn vì tế bào vào máu và sẽ lan ra toàn thân. Hơn nữa bệnh ung thư máu lại dễ tái phát.
Nếu ung thư máu dòng Lơ xê mi cấp, khi tế bào ung thư xuất hiện trong tủy xương sẽ lấn át các dòng tế bào máu khác tạo ra thiếu hồng cầu khiến cho bé bị thiếu máu, thiếu tiểu cầu gây xuất huyết như chảy máu, bầm tím, thiếu bạch cầu gây nhiễm trùng…
Các dấu hiệu cụ thể của bệnh ung thư máu mà cha mẹ cần phải chú ý bao gồm việc trẻ thấy mệt mỏi hoặc da nhợt nhạt. Trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân và điều trị không dứt.
Một số trẻ dễ chảy máu chân răng hoặc bầm tím. Một số trẻ có thêm triệu chứng khác như đau xương hoặc đau khớp, sưng bụng, mặt, cánh tay, nách, hai bên cổ, háng, sưng trên xương đòn.
Bệnh nhân tiến triển rất nhanh và nhiều biến chứng nặng nề. Bác sĩ Hồng cho biết trẻ cần được điều trị sớm và tích cực, với phác đồ hóa trị, ghép tế bào gốc, điều trị nhắm đích...
Ung thư máu khó phòng bệnh vì bệnh chưa rõ nguyên nhân mà chủ yếu do các yếu tố như tiếp xúc hoá chất, tia xạ, dung môi...
"Bệnh ung thư máu khó có thể đánh giá khỏi bệnh vì bệnh dễ tái phát và nhiều trẻ điều trị bệnh lui rất nhanh nhưng sau đó cháu bé lại bị tái phát trở lại.
Trong ung thư máu, khi trẻ bị tái phát lại thường cha mẹ, bản thân trẻ rất sốc vì người bệnh nghĩ đã khỏi bệnh nhưng trong y học ung thư máu không có thể khỏi hoàn toàn", bác sĩ Hồng thông tin.